Những thiết kế được lấy cảm hứng từ tranh dân gian
Tết Nhâm Dần 2022, nhà thiết kế (NTK) Viết Bảo ra mắt công chúng bộ sưu tập áo dài “Tranh Tết trên áo dài Việt”. Hướng đến thiết kế áo dài du xuân dành cho gia đình, bộ sưu tập gồm 30 mẫu thiết kế áo dài nam, nữ và trẻ em. Các mẫu thiết kế được trang trí họa tiết từ tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ và tranh làng Sình, dòng tranh thường được sử dụng để trang trí trong dịp tết.
Điểm nhấn là hình tượng ngũ hổ trong tranh dân gian Đông Hồ, hàng Trống được in nguyên bản lên áo dài nam. Với áo dài nữ, NTK Viết Bảo khai thác hình tượng bát âm từ tranh dân gian làng Sình để tôn vinh Nhã nhạc, di sản văn hóa phi vật thể. Các mẫu áo dài nữ còn khai thác vẻ đẹp màu sắc của giấy điệp, trang nhã và mang đậm dấu ấn văn hóa.
Mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “Tranh Tết trên áo dài Việt”
Những dấu ấn văn hóa dân gian được lựa chọn, sắp xếp hài hòa, tinh tế trên chất liệu vải gấm, đũi, linen. Vẻ đẹp của các dòng tranh dân gian khoe sắc trên tà áo dài, mang đến cho áo dài điểm nhấn ấn tượng. NTK Viết Bảo chia sẻ: “Tôi lấy cảm hứng từ đề tài tranh treo ngày tết để mang hơi thở của mùa xuân mới lên chiếc áo truyền thống. Qua đó, quảng bá nét đẹp tranh dân gian của làng nghề Việt. Với tranh làng Sình, tôi khai thác hình tượng vòng tròn 12 con giáp từ bản khắc in và họa tiết bát âm với hình tượng các cô gái cầm nhạc cụ nhằm tôn vinh Nhã nhạc Huế”.
Trung tâm Không gian áo dài Huế của NTK Viết Bảo cũng là đơn vị đại diện cho Huế tham gia Lễ hội Áo dài do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong tháng 3 để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống. Quảng bá áo dài Huế ở lễ hội này, NTK Viết Bảo giới thiệu đến công chúng cả nước bộ sưu tập “Trầm tích Huế thơ”, gồm những thiết kế được lấy cảm hứng từ họa tiết mỹ thuật triều Nguyễn.
Đưa tranh ký họa lên áo dài
Các mẫu áo dài đa dạng, phong phú về màu sắc, họa tiết, được NTK Viết Bảo trang trí theo nghệ thuật nề ngõa đắp nổi, khảm trai sơn mài, khảm xà cừ, pháp lam… trên các công trình kiến trúc cung đình, tạo nên dấu ấn đặc biệt trong thiết kế áo dài, một phong cách Huế không trộn lẫn. Viết Bảo còn chuyển thể nhiều tác phẩm hội họa của các họa sĩ Huế; đưa cảnh đẹp của lăng tẩm, đền đài rêu phong xứ Huế qua nét chấm phá của nghệ thuật ký họa lên tà áo dài. Đây cũng là cách anh quảng bá vẻ đẹp của văn hóa di sản quê hương.
Những họa tiết của mỹ thuật cung đình, tranh ký họa được Viết Bảo chọn lọc, thiết kế phù hợp với phong cách trang trí áo dài, sau đó in nhuộm bằng công nghệ kỹ thuật số. Nhờ công nghệ này, các tác phẩm hội họa, ký họa và họa tiết lưu giữ toàn bộ giá trị mỹ thuật khi chuyển thể lên áo dài. Ở Huế, Viết Bảo là một trong những người tiên phong ứng dụng kỹ thuật này.
NTK Viết Bảo cho biết: “Áo dài Huế nổi tiếng với thợ may đo đẹp nhưng thị trường nguyên liệu vải ở Huế không phong phú. Vì thế, tôi đang kiên trì trên con đường tạo ra những loại vải được in nhuộm, trang trí mang màu sắc Huế. Công nghệ in nhuộm kỹ thuật số đã được Sở Công thương đồng hành tạo điều kiện trong việc ứng dụng thiết bị công nghệ để thực hiện”.
Trong bối cảnh xây dựng “Huế - Kinh đô Áo dài của Việt Nam”, việc thiết kế những bộ sưu tập mang dấu ấn riêng của Huế là ý tưởng độc đáo nhằm nâng tầm giá trị, thương hiệu áo dài Huế. Ngoài đường may sắc sảo của những người thợ tài hoa, du khách khi đến Huế có thể sở hữu những bộ áo dài “Made in Hue” được thiết kế dựa trên cảm hứng văn hóa di sản và hội họa với những họa tiết trang trí mang bản sắc riêng của cảnh đẹp miền sông Hương, núi Ngự.
Bài: MINH HIỀN - Ảnh: NVCC