ClockChủ Nhật, 09/10/2022 14:31

Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển

Trải qua 70 năm hình thành, xây dựng, phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực: Xuất bản, in và phát hành sách.

Toạ đàm kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sáchVấn nạn sách giả: Bào mòn văn hóa đọc của người ViệtTôn vinh những người biên soạn, xuất bản và lưu trữ sách

Đại biểu tham quan các gian trưng bày sách tại Hội Sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2022. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Chất lượng nội dung xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; thúc đẩy, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

Hình thành những giá trị tri thức, văn hóa mới

Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Ngay từ trước khi thành lập, đến khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác xuất bản. Ngày 10/10/1952, tại Thủ đô kháng chiến ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia với bốn nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý và phát triển công tác xuất bản, in, phát hành sách báo. Sắc lệnh đã tạo cơ sở pháp lý đầu tiên quan trọng để ngành Xuất bản Việt Nam phát triển. Từ đó, ngày 10/10 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những người làm công tác xuất bản, phát hành sách đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ thực hiện xuất bản được hàng trăm đầu sách với hàng triệu bản in, trong đó có nhiều tác phẩm, ấn phẩm rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951); Sửa đổi lối làm việc (Bác ký tên XYZ viết năm 1947); Thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới (Bác viết chung với Tổng Bí thư Trường Chinh - 1953)... cùng nhiều sách, báo tài liệu quan trọng... Những ấn phẩm trên đánh dấu sự ra đời và bước trưởng thành quan trọng của ngành Xuất bản Việt Nam, góp phần không nhỏ cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân ta chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành lại sự độc lập của Tổ quốc. 

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới, nhân dân ta phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Từ năm 1964, miền Bắc vừa phải chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, vừa phải chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xuất bản được xác định là phải xây dựng nền văn hóa mới, văn hóa xã hội chủ nghĩa, vừa phải đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch của chế độ thực dân cũ và mới.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện chiến tranh khốc liệt nhưng trong 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác xuất bản đã đạt được những bước tiến đáng kể. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, hy sinh, gian khổ, xuất bản tiếp tục phát triển cả về số lượng, chất lượng, giá trị sách. Sách có mặt ở mọi nơi, từ các thư viện tỉnh, huyện, các ki-ốt, bưu điện, nhà văn hóa, hợp tác xã và trong ba lô ra chiến trường của bộ đội, thanh niên xung phong, xuất hiện trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng... Phong trào "đọc và làm theo sách", "đọc sách có hướng dẫn, đọc "sách người tốt, việc tốt"... lan tỏa rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành nên những giá trị tri thức, văn hóa mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Tính riêng trong giai đoạn 1955-1975, toàn ngành đã xuất bản được trên 520 triệu bản sách (năm 1975 xuất bản được 2.905 đầu sách với khoảng 40 triệu bản). Với những kết quả đạt được, ngành xuất bản đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung với tư cách là một bộ phận quan trọng của cuộc cách mạng, là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng trong cuộc kháng chiến trường kỳ, thống nhất đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. 

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Xuất bản bước vào một giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới, cùng nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vượt qua nhiều khó khăn về năng lực xuất bản, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, số lượng các nhà xuất bản ít, mạng lưới phát hành sách (nhất là khu vực phía nam) chưa rộng khắp nhưng ngành xuất bản đã nỗ lực vươn lên đáp ứng nhu cầu bạn đọc của cả nước, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao. Kết quả quan trọng nhất trong giai đoạn này là hoàn thành tốt nhiệm vụ tập trung mọi nguồn lực để in được nhiều bản sách cung cấp cho vùng mới giải phóng, từng bước xây dựng các kế hoạch dài hạn tạo đà phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Đại hội VI của Đảng đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, tạo ra một bước đột phá lớn, toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới cho toàn xã hội, đưa đất nước ta tiến lên phù hợp với quy luật vận động, phát triển của lịch sử. Trong bối cảnh chung đó, ngành Xuất bản đã vượt qua các khó khăn, thách thức, nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm, từng bước phát triển nhanh, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ ngày càng có hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa, góp phần đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng vững chắc của hệ tư tưởng toàn xã hội.

Trong bối cảnh đất nước có một số biến động, như: khủng hoảng kinh tế - xã hội, chiến tranh ở biên giới Tây Nam, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tác động sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội…, với tư cách là vũ khí tư tưởng - văn hóa sắc bén, xuất bản đã nỗ lực vượt khó khăn, giữ vai trò tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định chính trị - tư tưởng.

Tạo dựng diện mạo mới cho ngành Xuất bản

Từ năm 1991 đến năm 2001, mặc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng toàn ngành đã giữ vững đà tăng trưởng, những chỉ tiêu về số cuốn, số bản đều tăng gấp 4 đến 4,5 lần sau 10 năm là cơ sở để toàn ngành bước vào giai đoạn phát triển mới. Những năm đầu thế kỷ XXI, ngành xuất bản tiếp  tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ngày 31/3/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, xuất bản với những chỉ đạo mới, kiên quyết tổ chức, lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động xuất bản, tạo điều kiện cho bước phát triển mới trong những năm sau. Tiếp đó, một loạt văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước được ban hành, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Người dân chọn mua sách tại Hội Sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2022. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng - văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID- 19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Toàn ngành xuất bản đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách, trên 460 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 390 triệu đầu sách (tăng trên 1,5 lần so với năm 2001). Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 2.996,7 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2002).

Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định. Năng lực, trình độ của một số nhà xuất bản được tăng cường. Lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân.

Nhiều nhà xuất bản đã, đang có những bước đi thích hợp, tạo sự đổi mới căn bản trong hoạt động quản lý, sản xuất, hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số, ngành xuất bản. Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng  mạnh mẽ trong ba năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng.

Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử không tiếp tục gia tăng về số lượng với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công  nghệ đã cho thấy tính hiệu quả cùng sự tăng trưởng ấn tượng của một số Start up (doanh nghiệp khởi nghiệp), như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách  điện tử Fonos, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giải pháp công nghệ V&V...

Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021 bình quân mỗi năm xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử. Chỉ riêng 03 đơn vị phát hành sách nói Waka, Fonos và WeWe đã có hàng trăm nghìn Account (tài khoản) sử dụng thường xuyên với tổng lượt truy cập năm 2021 lên đến trên 20 triệu lượt với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet..., cùng nhiều doanh nghiệp khác đã, đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Có thể khẳng định, ngành Xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy, truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chính yếu, những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với những thay đổi, nhu cầu, phương thức tiếp cận sách của độc giả cùng văn hóa đọc có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, ngành Xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức mới, thực hiện chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó, thực hiện phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số là hướng đi tất yếu của ngành xuất bản, in và phát hành.

Thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức

Trong giai đoạn mới, ngành Xuất bản, In và Phát hành đặt ra mục tiêu cụ thể: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á; xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng với số lượng lớn (số lượng trên 100.000 bản). Đối với lĩnh vực in: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm từ 5-5,5%; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có ngành công nghiệp in  phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: duy trì tốc độ tăng  trưởng hằng năm 4 - 5%; phấn đấu đến năm 2025, phát hành 500 triệu bản  sách, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng.   

Để thực hiện tốt các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là: Hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây  dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ; đổi mới tư duy quản lý, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Ngành xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án phát triển nhà xuất bản chủ lực trên cơ sở tăng cường đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đặt hàng xuất bản xuất bản phẩm thiết yếu, có giá trị cao, quan trọng phục vụ phát triển đất nước. Các nhà xuất bản đẩy mạnh liên kết với cơ sở phát hành xuất bản phẩm mạnh, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường. Ngành hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới.   

Ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với các chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa; nâng cao giá trị Giải thưởng Sách quốc gia, đưa Giải thưởng Sách quốc gia thành giải thưởng có uy tín, giá trị hàng đầu trong các giải thưởng thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ. Ngành hỗ trợ tạo sự gắn kết giữa các cơ sở phát hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, logistics để đáp ứng nhu cầu trong nước; phát triển thị trường xuất nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Ngành có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm...   

Mới đây, tại hội thảo khoa học về 70 năm xuất bản Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã giao nhiệm vụ: Các cơ quan chủ quản, cơ quan lãnh đạo, quản lý phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ, tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất bản để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Trong bối cảnh tình hình mới, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, Nhà nước ta với nhiều hình thức tinh vi trên tất cả các lĩnh vực. Với trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc đấu tranh, phản biện, cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo chí và mạng xã hội trong xây dựng văn hóa

Những năm gần đây, các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước đã đẩy mạnh phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng nhiều hình thức, có chiều sâu các vấn đề về văn hóa, văn nghệ; phổ biến nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, báo chí vẫn còn một số mặt hạn chế, như: Chưa có nhiều ấn phẩm báo chí chuyên sâu tuyên truyền về văn học nghệ thuật; chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu xây dựng con người, phát triển văn hóa.

Báo chí và mạng xã hội trong xây dựng văn hóa
“Vai trò của chuyển đổi số đối với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xuất bản”

Đó là nội dung của buổi toạ đàm với chủ đề “Sách: Nhận thức, đổi mới, sáng tạo; Sách cho tôi, sách cho bạn” trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại Huế. Hoạt động do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (NXB TT&TT) tổ chức ngày 22/4 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.

“Vai trò của chuyển đổi số đối với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xuất bản”
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
In Minh Khang - Cơ sở in ấn uy tín tại Huế

In ấn là một trong những nhu cầu rất lớn trong xã hội ngày nay. Chúng ta vẫn thường thấy các bao bì, hộp giấy hay tờ rơi, băng rôn có các dòng chữ trên đường. Đó chính là hoạt động in ấn tạo ra. Vậy đâu là địa chỉ in ấn uy tín, chất lượng tại Huế. Câu trả lời đó chính là In Minh Khang - Địa chỉ nổi tiếng nhận được nhiều đánh giá cao của khách hàng.

In Minh Khang - Cơ sở in ấn uy tín tại Huế
Sẽ thí điểm đưa Tủ sách Huế về thư viện huyện, trường học

Trong năm 2023 sẽ xuất bản từ 5-8 ấn phẩm cho Tủ sách Huế, đề xuất 7-10 ấn phẩm đưa vào kế hoạch xuất bản cho Tủ sách Huế năm 2024. Thông tin này được UBND tỉnh cho biết ngày 23/3 liên quan đến kế hoạch “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” năm 2023.

Sẽ thí điểm đưa Tủ sách Huế về thư viện huyện, trường học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top