ClockChủ Nhật, 24/04/2022 06:37

Tìm đường sách cho Huế

TTH - Một con đường sách cho Huế luôn được nhiều người ngóng đợi. Con đường đó không chỉ là không gian của sách, của người mê sách, của sự lan tỏa văn hóa đọc, mà còn là không gian văn hóa hội tụ, nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng…

Nhớ một đường sáchHội sách xuyên Việt tìm đường sách cho Huế

Huế có nhiều tuyến đường đáp ứng các tiêu chí để mở đường sách

Sau thất bại của việc thí điểm đường sách Hai Bà Trưng, giới trí thức, nhân sĩ và người yêu sách đất Cố đô đang trông chờ một đường sách đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần.

Có rất nhiều tuyến đường phù hợp

Con đường sách đó sẽ đặt ở đâu và khi nào thành hiện thực là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Tưởng chừng như khó trả lời, thì mới đây chính quyền TP. Huế quyết định nhờ các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín, làm việc trong ngành xuất bản, phát hành… đi khảo sát và tư vấn cách chọn và triển khai đường sách cho Huế.

Ở Huế có rất nhiều con đường ngay trung tâm thành phố tuyệt đẹp, cơ bản đáp ứng được các tiêu chí để làm đường sách. Tuy nhiên, để chuyển đổi công năng của con đường đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng. Nhận lời khảo sát và đi thực tế để tìm kiếm đường sách cho Huế, các chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức đường sách cho rằng, chưa nói đến sách, con đường sách phải hài hòa quy hoạch tổng thể của cảnh quan, có đủ mảng xanh, đủ sức chuyển tải chức năng đường sách và có không gian đi kèm để tổ chức các hoạt động.

Sau khi khảo sát một số tuyến đường, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiêm Giám đốc Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh) và một số chuyên gia khá tâm đắc với hai tuyến đường: Bà Huyện Thanh Quan, đoạn kéo dài từ đường Trương Định ra tới bờ sông Hương và khu vực tuyến đường nằm dọc bên hông Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh. Lý giải về hai tuyến đường này, ông Hoàng cho hay nằm ngay trung tâm, trên trục đường kết nối nhiều không gian văn hóa, bảo tàng, nhà trưng bày, thu hút rất đông người qua lại, trong đó có rất nhiều du khách. “Về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí thuận tiện hình thành các gian hàng sách, tổ chức các hoạt động văn hóa đọc. Tuy nhiên, cũng cần thêm thời gian nghiên cứu kỹ hơn”, ông Hoàng nói.

Người dân tìm chọn mua, đọc sách trong hội sách được tổ chức vào tháng 4/2022

Dẫn chứng từ đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh), ông Hoàng nói, để có được thành công với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm như bây giờ phải trải qua quá trình dài với sự nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo. Hiện nay đường sách có hàng chục nhà xuất bản hàng đầu của Việt Nam tham gia, phục vụ nhu cầu của người đọc. Bên cạnh đó, đây còn là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa tác giả và người đọc, nơi thu hút rất nhiều học sinh đến trải nghiệm tạo nên sự tương tác ngoài nhà trường thông qua các hoạt động liên quan đến sách.

“Quan trọng hơn đây là không gian văn hóa, thường xuyên diễn ra các sự kiện quan trọng của thành phố. Ngoài ra, đường sách còn kết nối với nhiều đơn vị đến giao lưu, sinh hoạt. Và từ đó, đường sách trở thành một thiết chế văn hóa”, ông Hoàng chia sẻ.

Tạo mọi điều kiện để hình thành

Từ câu chuyện đường sách Nguyễn Văn Bình, ông Hoàng nói rằng Huế có thể hình thành nên một đường sách. “Muốn xây dựng và phát triển đường sách, chính quyền phải chủ động mời gọi các nhà xuất bản, phát hành đến tham gia. Ngoài ra, phải có một đơn vị chức năng điều hành hoạt động đường sách, đó là đơn vị am hiểu, có năng lực tổ chức các hoạt động về sách. Đặc biệt, chính quyền cần phải quan tâm, tạo điều kiện cao nhất về chủ trương, khung pháp lý, cơ sở vật chất…”.

Không phải bây giờ câu chuyện đường sách mới được đưa ra bàn luận, từ nhiều năm về trước vấn đề này đã được trao đổi và biến thành hiện thực khi UBND TP. Huế cho thí điểm con đường sách dài chừng hơn 200m trên đường Hai Bà Trưng, đoạn giao đường Phan Đình Phùng đến đường Nguyễn Huệ. Thế nhưng, chỉ hoạt động một thời gian ngắn, đường sách này biến tướng với sách lậu, kém chất lượng và các ngành chức năng đã buộc chấm dứt hoạt động.

Vì thế, khi bàn về con đường sách mới cho Huế, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định mong rằng sẽ không còn tái diễn những vấn đề nêu trên, để đường sách đúng như kỳ vọng của người dân và du khách. Thời điểm này, chính quyền cũng sẽ ưu tiên, tạo mọi điều kiện tối đa cho việc hình thành đường sách. Có như thế mới giúp thành phố lan tỏa được văn hóa đọc, mời được nhiều chuyên gia, diễn giả đến giao lưu, trò chuyện, tạo nên một không gian văn hóa ấn tượng cho Huế.

Tuy nhiên, theo ông Định, đường sách không đơn thuần chỉ là nơi bán sách, đó còn là nơi tạo ra nguồn tài chính để duy trì hoạt động đường sách và các hoạt động liên quan. “Việc kinh doanh ở Huế không hề đơn giản, khác với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi có sức mua lớn. Điều này còn đặt ra vấn đề về bài toán kinh tế. Vấn đề quan trọng trong quá trình hình thành nên đường sách đó còn là sự vào cuộc, ủng hộ của các doanh nghiệp xuất bản, đơn vị phát hành”. ông Định nói.

Huế có thể trở thành “Thủ đô sách thế giới”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Book khi nói về việc hình thành con đường sách cho Huế gợi ý, không chỉ dừng lại ở đường sách, mà đề nghị Huế nên đăng ký để trở thành “Thủ đô sách thế giới”. Từng tham dự nhiều hội sách ở trong nước, khu vực và quốc tế, ông Hùng mong muốn chính quyền nghiên cứu đề nghị này và cá nhân ông sẽ giúp đỡ, kết nối với các tổ chức liên quan đến sách, đến xuất bản trên thế giới để hiện thực hóa đề nghị.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách cũ

Tôi không phải là một người yêu sách cũ cho đến một ngày, khi bất chợt gặp một cuốn sách lướt qua mắt, trên dòng thời gian của một trang facebook cá nhân.

Sách cũ
Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Đó là chủ đề của buổi workshop diễn ra vào chiều 7/12 tại 23 - 25 Lê Lợi (TP.Huế) với sự chia sẻ của giảng viên Nguyễn Chí Ngàn - Bộ môn Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa Du lịch, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoạt động do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức.

Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ
Thư viện ngày mưa

Cửa sổ mở rộng, hàng chục đóa hồng dưới mưa vẫn đỏ rực. Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra có thể thấy một khu vườn nhỏ gồm nhiều chậu cây nằm dọc theo hành lang dài. Hơi xa sau mấy chậu hoa hồng là hai chậu đậu biếc, những bông hoa nhỏ tím một màu rất Huế đang bám chặt vào dây leo trên bờ tường. Ngày mưa, sắc hoa làm không gian thư viện vui lên.

Thư viện ngày mưa
Return to top