ClockChủ Nhật, 12/06/2022 09:06

Văn hóa xe đạp

TTH - Tôi vẫn thích gọi dự án xe đạp chia sẻ cộng đồng tại Huế ra đời vào đầu tháng 6 này là “cũ người, mới ta”. Nhiều năm trước sang Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á, nhìn thấy những chiếc xe đạp dành cho bất kỳ ai có nhu cầu sử dụng, tôi đã ước mơ có ngày sẽ được bắt gặp ở Huế như bây giờ.

Đạp xe vì du lịch và môi trườngKhai trương dự án xe đạp chia sẻ cộng đồngKhám phá Huế bằng xe đạp thông minh: Sản phẩm du lịch thân thiện

Nhìn trên những con đường phố Huế, những chiếc xe đạp hè này có vẻ nhiều hơn và đa dạng sắc màu, như ùa về trong tôi bao hoài niệm và ký ức là những ca từ mở đầu cho bài hát “Xe đạp ơi” của nhạc sĩ Ngọc Lễ, do chính ông và vợ là ca sĩ Phương Thảo trình bày: “Nhớ khi xưa anh chở em/ Trên chiếc xe đạp cũ/ Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè…”. Bài hát gợi nhớ lại hình ảnh một thời nam sinh Quốc Học và nữ sinh Đồng Khánh, giờ tan trường đạp xe trên phố.

Tôi cũng như thế. Một thời còng lưng đạp xe đi học, đi làm đầy tự hào, bởi không phải ai cũng có thể dễ dàng sở hữu chiếc xe đạp trị giá đến mấy chỉ vàng, là tài sản mơ ước của nhiều gia đình và được giữ gìn như vật báu trong nhà. Xe đạp trở thành một trong những tiêu chí chọn chồng của các cô gái: “Một yêu anh có Sen-kô (đồng hồ đeo tay hiệu Seiko)/ Hai yêu anh có Pơ - giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu cá vàng)”.   

Cũng như áo dài và bao điều khác nữa, xe đạp không phải là riêng có nhưng với Huế, lại gần gũi và thân thương lạ. Hãy thử đạp xe dạo quanh Huế. Đạp xe quanh Đại Nội, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của đất Cố đô. Đạp xe dọc đường Lê Lợi, ghé thăm ngôi trường nổi tiếng bậc nhất xứ Huế. Đạp xe dưới rừng thông, ngắm nhìn vẻ đẹp sâu lắng ở đan viện Thiên An. Đạp xe qua vùng cỏ lau, thăm lăng Khải Định. Đạp xe qua cầu Trường Tiền, ngắm dòng Hương nước trôi lững lờ.

Tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương kéo dài từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên, đoạn đường tiếp nối ở bờ Bắc kéo dài đến chùa Thiên Mụ vừa được hình thành. Thật ấn tượng nơi đây là hình ảnh bao người sáng sớm hay chiều tà miệt mài trên yên xe đạp. Đạp xe để có thể cảm nhận hết hơi thở chậm rãi của nơi này. Theo từng vòng quay, họ mưu cầu sức khỏe và đi tìm sự thanh thản và bình yên cho tâm hồn.

Mới đây, chính quyền thành phố Amsterdam của Hà Lan đã vạch ra lộ trình từ năm 2030 sẽ cấm tất cả ô tô, xe máy chạy bằng xăng và dầu diesel lưu thông trên các tuyến đường thuộc thủ đô của xứ sở hoa tulip. Quyết định ấy phần nào được khởi nguồn từ văn hóa xe đạp của người Hà Lan. Lâu nay, người dân nơi đây vẫn coi xe đạp là “một phần tất yếu của cuộc sống”, một nét văn hóa đặc sắc mà bất cứ ai đặt chân đến Hà Lan đều dễ dàng nhận thấy.

Có vẻ như Huế đang muốn noi gương Amsterdam khi cùng lúc với dự án xe đạp chia sẻ cộng đồng là hội thảo “Đạp xe - câu chuyện về lộ trình xanh” và Triển lãm “Copenhagen - thành phố đáng sống - thành phố xe đạp”. Triển lãm với những hình ảnh về việc đưa xe đạp vào giao thông và là phương tiện đi lại sẽ là phương thức thúc đẩy Huế trở thành một đô thị du lịch văn minh, hạnh phúc với các tiêu chí xanh, sạch, an toàn, thân thiện môi trường và thông minh.

Và tôi, mỗi lần bắt gặp những vòng xe đạp lướt qua, lại thấy thương, thấy nhớ về những ngày tháng êm đềm cùng chiếc xe đạp thân thương: “Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy/Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi...” (Xe đạp ơi - Ngọc Lễ).

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top