ClockChủ Nhật, 02/07/2017 06:39

Một người Kinh đam mê âm nhạc Pa Cô

TTH - Có một người Kinh sống ở vùng đồng bào Pa Cô đã bỏ công sức và thời gian để làm các nhạc cụ, góp phần duy trì các sinh hoạt văn hóa của đồng bào nơi đây. Đó là ông Phạm Thái Xuân, còn gọi là Prung Xuân.

Người của những cây đàn

Nằm phía đông của núi Târ-coong, làng Ta-ay khép mình bên dòng A Lin (A Lưới) thất thường con nước. Nhiều người qua lại đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua làng đều biết rằng, ngôi làng này tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về bản sắc văn hóa của đồng bào Pa Cô.

Ông Phạm Thái Xuân

Và, có một ngôi nhà nhỏ ở cạnh cầu A Lin, nơi phía bắc của làng. Đó là nơi ở của ông Phạm Thái Xuân, còn gọi là Prung Xuân. Người được làng gọi là “người của những cây đàn”. Bởi lẽ, nhiều năm rồi, người làng chẳng còn đếm được, nhớ được ông Xuân đã làm bao nhiêu cây đàn cho người làng, và các làng lân cận sử dụng. Mỗi khi cần một nhạc cụ gì đó, người ta lại đến gặp và nhờ ông.

Ông Phạm Thái Xuân làm rất nhiều loại nhạc cụ; từ đàn A Bel, đàn Târ-lư cho tới Âm-prẽ; từ Âng-toong cho tới các loại kèn, và cả khèn. Làm được nhiều loại nhạc cụ như ông, ở phía bắc A Lưới, không có mấy người. Có vài người làm được nhưng thường chuyên về một dòng nhạc cụ nào đó, như chuyên về nhạc cụ thổi, chuyên về nhạc cụ dây hay nhạc cụ gõ… Ông Xuân tâm sự: “Làm một cây đàn không dễ. Nào là đẽo gọt, làm dây, làm ống. Rồi làm sao cho nó kêu ra tiếng của một cây đàn. Khó lắm nhưng tui cố gắng học từ người già cả thôi.”

Khả năng làm nhạc cụ đa dạng của ông Phạm Thái Xuân khiến nhiều người thanh niên ở các làng theo học. Và ai có bụng tìm hiểu nhạc cụ và cách chế tạo đều được ông tận tình hướng dẫn. Với ông, càng nhiều người tìm hiểu, càng nhiều người biết làm nhạc cụ là càng tốt. Ông Quỳnh Ngưm, một thành viên của đội văn nghệ quần chúng làng

Tal-ay, có một số nhạc cụ mà ông Phạm Thái Xuân làm cho. Ông chia sẻ: “Đồng bào mình sinh hoạt văn nghệ là một phần của cuộc sống. Ngày xưa, nổi lửa là có văn nghệ. Sau này, đời sống thay đổi nên có những nhạc cụ, những sinh hoạt gần như mất đi. May mà có ông Xuân biết làm đàn mà chúng tôi có điều kiện văn nghệ. Tôi có mấy cái đàn, kèn của ông làm nên quý lắm, thấy đàn, thấy kèn như thấy ông Xuân”.

Bố ông Xuân vốn là người Kinh, quê ở làng Thủ Lễ, huyện Quảng Điền. Khi còn trẻ, bố ông Xuân lên A Lưới sống, lấy vợ và sinh ra ông Xuân ở làng Tal-ay. Vì cái ân tình với người Pa Cô, bố ông đặt tên con là Prung Xuân. 80 năm sống gắn bó với làng, với những gì mà làng có, ông Prung Xuân thấu hiểu những âm thanh từ nhạc cụ của đồng bào Pa Cô. Ông say mê những âm thanh đó. Thế nên, Prung Xuân quyết tâm tìm đến những người già, những người am hiểu các loại nhạc cụ để học cách chế tạo. Lần lượt, từng loại đàn, từng loại nhạc cụ mà ông tìm hiểu là ông có thể chế tạo được. Ông trở thành người làm các loại nhạc cụ khi nào chẳng biết nữa.

Lặng lẽ với thời gian

Một lần, gặp ông Phạm Thái Xuân khi ông đang cặm cụi với những khúc lồ ô, những khúc gỗ mỡ để làm những cây đàn. Hỏi ông đang làm gì, nghĩ gì thì ông bảo: "Cứ nhìn cách mà tôi tỉ mỉ từng động tác trên thớ gỗ là biết được cái bụng tôi nghĩ gì, làm gì. Làm cái gì chưa vừa ý, sẽ cố gắng làm cho vừa ý. Làm phần nào chưa đẹp, chưa đạt thì lại cố gắng làm cho đẹp, cho đạt. Cân chỉnh dây đàn chưa đạt yêu cầu thì làm lại". Dường như, mọi thứ với ông, để có một nhạc cụ hoàn chỉnh, cái sức nhiều ít không quan trọng mà quan trọng là làm hết mình.

Ông Xuân tâm sự: “Tui mong muốn nhạc cụ của đồng bào Pa Cô có chỗ đứng, tồn tại được với thời gian, với các cộng đồng. Lớp trẻ ngày nay ít người chịu học đàn, học hát lắm. Mà cái đó là một phần của cuộc sống tổ tiên mình truyền lại. Không nhớ, không gìn giữ là mất gốc. Tui sinh ra và lớn lên giữa đồng bào Pa Cô, tui nhận cái ân tình của đồng bào nên cũng muốn giành thời gian để trau dồi thêm cái ân tình đó.”

Làng Tal-ay được biết đến như một trong những làng có phong trào xây dựng và bảo tồn nền văn hóa bản truyền thống Pa Cô khá mạnh mẽ. Những người dân nơi đây lựa chọn cách thức bảo tồn văn hóa theo cách của riêng mình. Một trong số những người có ảnh hưởng lớn chính là ông Phạm Thái Xuân. Người làng sử dụng và chuyền tay nhau, cùng nhau trình tấu những bản nhạc truyền thống, những lúc sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Có lẽ, đội văn nghệ của làng chẳng biết hoạt động như thế nào hay tốn tiền ra sao để duy trì sinh hoạt nếu không có sự khéo léo, khả năng chế tạo nhạc cụ của ông Xuân.

Và căn nhà nhỏ của ông Phạm Thái Xuân cũng trở thành nơi tụ họp của đội văn nghệ quần chúng làng Tal-ay. Những lúc rảnh rỗi, đội văn nghệ, dưới sự hướng dẫn của trưởng làng Ku Dung, thường tập hợp ở nhà ông Xuân để đàn hát. Môi trường sinh hoạt âm nhạc như xưa không còn nhưng với họ, như vậy đã là niềm vui và sự tồn tại qua thời gian những gì thuộc về âm nhạc của cộng đồng Pa Cô. Ông Ku Dung, trưởng làng Tal-ay, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, cho biết: “Làng Ta-ay này may mắn có ông Prung Xuân biết làm các nhạc cụ, lại năng nổ việc làng nên bà con mến mộ lắm. Làng luôn giành sự ngưỡng mộ cho những gì ông Xuân đã làm cho làng, cho người Pa Cô”.

Ở cái tuổi gần núi xa làng, ông Phạm Thái Xuân, làng Tal-ay vẫn quen gọi là Prung Xuân, cứ lặng lẽ làm nhạc cụ, lặng lẽ tập hợp những người có bụng với âm nhạc của đồng bào Pa Cô. Ông muốn âm nhạc của đồng bào Pa Cô sống mãi trong lòng của làng Tal-ay nói riêng và người miền núi Pa Cô nói chung. Trong dòng chảy cuộc sống thay đổi nhanh chóng, việc làm của ông Xuân đang góp phần lưu giữ một giá trị văn hóa to lớn của đồng bào đã bảo bọc mình. Đó là dân nhạc Pa Cô.

Bài, ảnh: ĐÌNH ĐÍNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nữ sinh biến đam mê thành thành tích

Từ niềm đam mê những bước chạy, nữ học sinh Trường THCS Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - Ngô Thị Đoan Trang đã nỗ lực tập luyện để đem về liên tiếp những tấm huy chương Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc.

Nữ sinh biến đam mê thành thành tích
Nuôi dưỡng đam mê robot trong học đường

Với niềm yêu thích mày mò, khám phá và chế tạo robot, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) robot Trường THPT chuyên Quốc Học Huế - QH Panthers đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại Derichs - Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng năm 2024.

Nuôi dưỡng đam mê robot trong học đường
Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot

TIN MỚI

Return to top