ClockChủ Nhật, 12/02/2017 14:06

Tình yêu lớn dành cho tuồng Huế

TTH - Hơn 50 tuổi, có bệnh về tim mạch nhưng trái tim ấy vẫn nóng ấm niềm mong được cống hiến. Tâm sự của NSƯT La Thanh Hùng do thế cũng dồn dập: “Muốn vội, rất vội kẻo thời gian không đợi”.

Xứng danh con cháu dòng họ La

Với nghệ thuật tuồng cung đình Huế, không thể không nhắc đến gia đình họ La, với con chim đầu đàn là cố lão NSƯT, nghệ nhân La Cháu cùng bao thế hệ vững vàng nối tiếp, truyền dạy nhau “sống chết với nghề”. Trong đại gia đình ấy, sau cố lão NSƯT, nghệ nhân La Cháu và cố NSND La Cẩm Vân, cây đại thụ tiếp theo là NSƯT La Thanh Hùng. Ông vui vẻ gọi mình là “hàng độc”, vì biết được nhiều thứ, ghi nhớ được nhiều thứ và cũng nắm giữ được nhiều bí kíp nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật tuồng Huế.

NS La Thanh Hùng (trái) đón nhận danh hiệu NSƯT

NSƯT La Thanh Hùng người gốc làng Hà Trung, huyện Phú Vang, nhưng tuổi thơ lại gắn chặt với Hữu Vu – Đại Nội Huế. Từ nhỏ, có cha là cố lão nghệ nhân La Cháu kèm cặp, lại được học tập và rèn luyện dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Viêm Bờ (con thầy Đội Em, nguyên là đội trưởng đội diễn viên dưới triều Nguyễn) và các nghệ nhân đã từng một thời là diễn viên cung đình dưới triều Nguyễn, năng khiếu bẩm sinh của La Thanh Hùng ngày càng được bộc lộ. Ngoài thể hiện xuất sắc các vai diễn đúng với mong muốn của những người thầy, kỹ năng kẻ mặt nạ tuồng cũng dần thẩm thấu vào ông “như một định mệnh”. Và nay, ông đang rất chắc tay với vai trò đạo diễn và trực tiếp dàn dựng các vở tuồng tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.

Năm 1993, với vai diễn Châu Xương, ông được trao huy chương vàng trong “Hội diễn các trích đoạn tuồng – chèo hay” tổ chức tại Huế. Năm 1995, trong đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Huế, ông tiếp tục giành được huy chương bạc khi hóa thân vào vai hề Xíu trong vở tuồng “Đặng Huy Trứ”. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp đạo diễn, ông về làm giảng viên giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tại đây, ông biên soạn thành công giáo trình đào tạo giảng dạy tuồng và múa hát cung đình đầu tiên của Huế. Năm 2000, ông quay lại làm việc tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế - nay là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, với mong muốn cùng chị gái của mình - cố NSND La Cẩm Vân, khôi phục lại vốn cổ của sân khấu tuồng Huế.

Vừa làm đạo diễn vừa làm diễn viên, năm 2004, khi hóa thân vào vai vua Tự Đức, trong vở tuồng “Bùi Viện”, La Thanh Hùng được ban tổ chức hội diễn trao huy chương bạc. Cũng tại thời điểm này, nhiều bộ trang phục tuồng cung đình Huế, nhiều chiếc mặt nạ tuồng do ông kẻ đã được triển lãm trong các đợt Festival chuyên đề. Năm 2013, vở tuồng “Nỗi niềm đấng quân vương” do ông làm đạo diễn cũng đã xuất sắc giành giải bạc (không có giải vàng). Riêng trong 2 năm 2015-2016, với 4 vở tuồng, gồm: Ngô Quyền, Lâm Sanh - Xuân Nương, Bi kịch Hoàng đế thi sĩ, Tìm lại cội nguồn do NSƯT La Thanh Hùng dàn dựng tham dự Liên hoan các vở diễn sân khấu tuồng Tống Phước Phổ (2015) và Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc (2016) đã đem về cho Thừa Thiên Huế 9 huy chương vàng và 10 huy chương bạc.

Sợ thời gian không đợi

Nói về công việc của mình, NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ về những lần được nói chuyện trên các kênh truyền hình, sóng truyền thanh trong nước và quốc tế về tuồng Huế. Mỗi dịp ấy, niềm tự hào về di sản tuồng của cha ông và ý thức về nghiệp nghề mà ông đang theo càng được nhân lên gấp bội. Hỏi về những kỷ niệm ấn tượng, NSƯT La Thanh Hùng lặng lẽ nhắc đến những tháng ngày khó khăn khi sân khấu truyền thống xuống dốc, người nghệ sĩ không còn đủ sức để tự sống được với nghề.

NSƯT La Thaanh Hùng vẽ mặt nạ tuồng Huế

“Tôi hát không hay lắm nên chủ yếu đảm nhận các vai võ, múa nhiều nên mất nhiều sức. Có những đêm, đảm nhận vai diễn nặng, diễn xong thì ngất xỉu, nhưng hạnh phúc nhất là khi mình ngất đổ xuống, màn sân khấu vừa kéo lại cũng là lúc khán giả ùa lên ôm chặt lấy mình, động viên và... cho thêm tiền. Một lần khác ở Quảng Bình, mặc dù đang bị ốm nhưng tôi cũng phải ra sân khấu, nếu không khán giả sẽ không mua vé. Vậy là diễn xong, bệnh trở nặng phải đưa vô Huế chữa. Lần đó, có nhiều chị, nhiều mệ ở chợ Bến Ngự, chợ Đông Ba đã tìm đến tận bệnh viện thăm và còn gom tiền cho để chữa bệnh. Đời nghệ sĩ, chỉ cần được như vậy, mệt mỏi bao nhiêu cũng tiêu tán hết”, NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ.

Trở lại với 4 vở tuồng đem về cho tuồng Huế 19 huy chương trong 2 năm 2015 và 2016, đạo diễn, NSƯT La Thanh Hùng nói thêm: “Mỗi người đạo diễn đều có một quan điểm riêng. Thực tế, chỉ qua mỗi dịp hội diễn, liên hoan…, những “ngôi sao” thực sự của nghệ thuật mới có cơ hội tỏa sáng. Và quan điểm của tôi ở vai trò của một đạo diễn là tranh thủ trong những dịp này tạo thêm cơ hội để các bạn diễn viên - nhất là những người trẻ, cọ xát và tỏa sáng. Có thể có giải hoặc không, nhưng có như vậy các em mới biết người, rõ ta để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và làm nghề tốt hơn. Rất may, là các bạn ấy đã thành công với các vai diễn. Trong số đó, nhiều bạn đã là nghệ sĩ ưu tú”.

“Với trái tim không lành, đã bao giờ ông mỏi gối chồn chân?”- NSƯT La Thanh Hùng nhẹ nhàng: “Ai cũng có lý do để sợ chết, tôi cũng thế. Đó nỗi sợ mình đi khi chưa kịp truyền dạy hết cho lớp trẻ những gì mình biết về nghệ thuật tuồng Huế. Tôi yêu công việc của mình. Tôi có tham vọng sẵn sàng chia sẻ và vội vàng chạy đua với thời gian để truyền dạy càng nhiều càng tốt những gì mình biết. Có như vậy niềm đam mê của tôi mới có ý nghĩa”.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: TRỌNG BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Return to top