ClockThứ Bảy, 20/02/2021 06:45

Tuyển tập ca khúc mới

TTH - Tuyển tập ca khúc “Huế mãi trong tôi” do Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phát hành trong tháng 12 năm 2020. Có thể nói, đây là ấn phẩm tình khúc dày dặn nhất của Huế trong vòng mười năm trở lại đây.

“Huế mãi được giữ gìn”“Vui trong nụ cười của người khác”“Có thể khi về già, tôi sẽ ở lại Huế”

Cố đô Huế vốn nổi tiếng là xứ sở của thi ca - nhạc - họa. Chỉ tính từ khi xuất hiện nền tân nhạc Việt Nam đến nay đã có một khối lượng đồ sộ các nhạc phẩm của các thế hệ nhạc sĩ với hàng trăm tác giả, hàng trăm ca khúc sáng tác về Huế, mang âm hưởng Huế, tạo ra một hiện tượng độc đáo, hiếm thấy trong kho tàng ca khúc Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa của miền sông Hương, núi Ngự; với không gian văn hóa Huế còn gìn giữ trong tà áo dài, trong chiếc nón bài thơ, trong lời ăn tiếng nói, trong giọng Huế dạ thưa, với những dấu ấn của một Huế hiện đại bên cạnh sự cổ kính kinh kỳ một thưở...; tất cả đã luôn gợi niềm cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác.

Cảm hứng về tình yêu Huế tràn đầy trong tuyển tập ca khúc này, như một thôi thúc tự nhiên của những trái tim luôn ấp ủ sáng tạo các giai điệu cho vùng đất mình yêu dấu. Những nốt nhạc thăng giáng bay trên đường kỷ hà của những ô nhạc, như chiếc cầu giai điệu trao truyền cảm xúc từ trái tim nhạc sĩ đến công chúng. Chúng ta gặp trong tập sách này Huế của ngày xưa qua “Huế trong tôi” (Nguyễn Tất Ngãi), “Nhớ Huế thương” (nhạc Hoàng Anh, lời Trương Hòa Bình), “Huế tím vào tôi” (nhạc Nguyễn Việt, thơ Nguyễn Loan)…; Huế của hôm nay qua “Huế nay” của Vũ Duy Cương, “Huế - sức sống mới” của Đình Trung…

Ca khúc “Cảm xúc Huế” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, với tiết nhịp 3/4 dịu êm, nhẹ nhàng như nhịp chèo đò của thiếu nữ trên sông Hương ngày xưa để rồi chuyển sang tiết nhịp 4/4 trào dâng nội tâm của người con xa xứ trở về Huế nay. Đó là những cảm xúc tràn đầy muốn ôm hết đất và người Huế vào lòng, mà những vòng tay ôm là những giai điệu trào dâng.“Thương lắm Huế ơi! Thương cả một đời… vương cả trời thương” là ca từ tha thiết, tình cảm trong nhạc phẩm “Thương thương xứ Huế” của nhạc sĩ Vũ Đức Tân. Với hai đoạn đơn tương phản, tiết nhịp 4/4 trên giọng son trưởng. Nét nhạc như sáng bừng rồi lại lắng sâu, giai điệu có âm vực rộng đã diễn tả niềm thương sâu thẳm với Huế, với những câu hò, điệu lý… của vùng đất kinh kỳ.

Cùng các cung bậc Huế khác, sắc màu Huế khác, âm hưởng Huế khác với “Áo tím” (Tịnh Mỹ), “Giọt đàn xứ Huế”, nhạc Hồ Trọng Tuấn, thơ Phùng Tấn Đông; “Thương mãi câu hò” của nhạc sĩ Lê Phùng, “Cơm hến” nhạc Trầm Tích, thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc… đã vang lên lan tỏa theo chiều rộng, chiều sâu của âm thanh cuộc sống. Các giai điệu lan rộng đến mức ta nhận ra những hình ảnh Huế bốn mùa. Huế của mưa (“Mưa Huế tình yêu” của Ngọc Ánh), Huế của nắng (“Nắng Trường Tiền” của Mai Ánh), Huế của những cơn gió bấc (“Mùa đông xứ Huế”, nhạc Trần Đức, thơ Dương Anh Đằng)… Bay theo các giai điệu, ta nhìn thấy cả hình ảnh của ngoại ô Huế: “Phú Lộc – khúc ca ngày mới” (nhạc Lê Quang Vũ, thơ Ngân Hà), “Về với quê hương Nam Đông” (Lê Hồng Lĩnh); và cả đại ngàn chiến khu xưa: “Trở lại nơi đây” (nhạc Tuấn Phương, thơ Lê Tự Minh)…

Huế của người thương là những cung bậc cảm xúc khác, nơi con tim lay động nhất, bồi hồi xao xuyến nhất. “Huế và em” (ý thơ Thanh Nhã, nhạc Quốc Anh), “Mười thương” (nhạc Văn Đen, thơ Hoàng Xuân Thảo), “Thương em giọng Huế” (nhạc Đoàn Lan Hương, thơ Bùi Ngọc Lan), “Tìm em trong nét Huế” (Khắc Yên)… dù giai điệu sôi động hay âm trầm xao xuyến thì đó cũng là những nốt rung của cảm xúc da diết vô bờ. “Gặp em – người con gái Huế, Huế thật rồi mà sao ngỡ trong mơ… Từ tứ thơ rất gợi và giàu giai điệu của Dương Văn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khéo léo dùng tiết nhịp 2/2, giọng mi trưởng giai điệu trong sáng để diễn tả tình yêu của mình dành cho con người, cho miền đất này.

Đó là những cảm xúc bay lên khi đối diện với Hương Giang – dòng sông sử thi và thơ mộng nhất thế giới. “Sóng Hương Giang” (nhạc Đức Trịnh, thơ Lê Tự Minh) là một ca khúc trào dâng xúc cảm tha thiết.“Sóng vỗ êm đềm theo dòng Hương Giang” chính là sóng của niềm yêu thương, sóng của một trời  ký ức khiến người trở về “nao nao trong lòng nhớ thưở ngày xưa” để rồi bâng khuâng dấu hỏi cuối chân trời “Ơi Huế yêu thương, chừ em ở nơi mô?”. “Trăng nghiêng” (Vĩnh Phúc) là một ca khúc khá lạ với nét nhạc tinh nghịch song cũng vô cùng tinh tế khi “trăng nghiêng chiều sao đành lỡ hẹn, trăng về Vỹ Dạ mà rơi rụng giữa dòng”. Vậy thì lỡ hẹn vì trăng nghiêng, trăng rơi, hay trăng say đây?

Cuối cùng, là lời nhắn nhủ mời bạn bè, người thương về với Huế, thăm Huế, chơi Huế. Tuyển tập có khá nhiều những lời rủ rê “Thăm Huế đi anh” (nhạc Quốc Phương Cp, lời Mipha). “Về Huế với nhau đi” của Lê Minh Sơn được viết ở hình thức hai đoạn đơn tương phản trên tiết điệu Bossanova tinh tế, ca từ mộc mạc, dân dã. Những từ ngữ nhắc đến nhữngmón ẩm thực trong đời sống thường nhật của người dân Huế như bánh bèo, cơm hến, bữa lỡ... được tác giả khéo léo biến thành ca từ trong bài hát của mình, khiến ca khúc vừa sôi động vừa dí dỏm. Ca khúc “Về Huế đi anh” (nhạc Trần Tôn, thơ Phan Bích Mai) lại sử dụng ngôn ngữ rặt Huế khiến lời mời trở nên rất Huế: “Nhớ Huế rồi anh về lại đi thôi/Có chi mô mà ngồi than thở/Hay bữa tê nhớ ai còn bỏ dở/ nên cơn ghiền lên thấu tận bữa ni/Nhớ Huế rồi anh về đi...”. Nghe con gái Huế mời mọc và khiêu khích như thế, hỏi ai cầm lòng được!

Tuyển tập ca khúc “Huế mãi trong tôi” với sự hội tụ của nhiều nhạc sĩ ở Huế và trong cả nước thật sự là một món quà âm nhạc cho những người yêu Huế.

Bài, ảnh: THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top