|
Mùa An cư kiết hạ tại chùa Thiên Mụ. |
Đại lễ Vu Lan xuất phát từ câu chuyện thời Phật Thích Ca còn tại thế. Thời ấy, hàng đệ tử của đức Phật có ngài Mục Kiền Liên, sau khi tu thành chính quả, ngài dùng phép thần thông quan sát khắp các cõi và biết mẹ của mình là bà Thanh Đề đang bị đọa dưới địa ngục, chịu nhiều đau khổ, đói khát để trả giá cho nhiều tội lỗi mà bà đã gây ra lúc còn sống. Mục Kiền Liên quá đau xót, và dù thần thông cũng không thể làm gì được để cứu giúp mẹ mình. Trở về thưa với Phật, được đức Phật dạy “phép” Vu Lan Bồn. Mục Kiền Liên vâng lời làm theo và cứu được mẹ thoát khỏi ác đạo. Kể từ đó, Vu Lan được xem là ngày báo hiếu, ngày “xá tội vong nhân” được đông đảo Phật tử, bá tánh hướng về; trở thành một nét văn hóa trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là càng về sau Vu Lan ngày càng biến tướng. Rất nhiều người nghe Vu Lan, thấy người ta đi chùa thì mình cũng đi chùa, xì xụp cúng dường, khấn vái. Một bộ phận không ít những người khác thì chú trọng sắm sanh lễ vật, vàng mã để cúng “cô hồn” vì nặng quan niệm “xá tội vong nhân”, nghĩ rằng ngày ấy cửa địa ngục mở, các vong hồn được giải phóng vất vưởng khắp nơi nên phải cúng, phải đốt vàng mã thật nhiều cho vong hồn thọ hưởng. Và dĩ nhiên, đã thọ hưởng thì vong hồn phải có bổn phận phù hộ mình. Thế nên dịp rằm tháng Bảy, vàng mã đôi khi cháy hàng, và thiên hạ đôi khi kêu trời vì đình chùa miếu điện, và cả nhiều con phố nữa cứ mịt mù tro khói vì hóa vàng mã.
|
Mừng thọ các Phật tử cao tuổi- Một hoạt động ý nghĩa của chùa Ba La Mật (Huế) trong mùa Vu Lan. |
Thật ra, ý nghĩa của Vu Lan là đề cao, tôn vinh đạo hiếu. Bách thiện hiếu vi tiên - trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu, đó là cái căn bản nhất của đạo làm người. Cổ nhân đã dạy như vậy. Câu chuyện Mục Liên - Thanh Đề thâm sâu cũng là nhắc nhở con người dù làm gì, dù có đạt đến thần thông quảng đại đi nữa trước hết cũng phải nghĩ về cha mẹ, nghĩ về đạo hiếu và thực hành cho trọn cái đạo của người làm con. Chứ không phải cứ Vu Lan là cúng bái, là vàng mã, là đi chùa lễ Phật mà đôi lúc lại quên mất ông Phật đang ở ngay trong nhà mình - đó là cha mẹ. Lúc còn tại thế, rất nhiều lần đức Thích Ca đã dạy chúng đệ tử về đạo hiếu, trong đó, có một câu khiến ai nghe cũng thấm, cũng phải rung động: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Cha mẹ trong nhà chưa lo phụng dưỡng, thậm chí hở ra một điều nặng, hai điều nhẹ, thì Vu Lan đi chùa cũng chẳng để làm gì, Phật nào mà chứng cho? Cha mẹ khi sống chẳng đoái hoài, đợi khi chết đi, sắm sanh lễ vật mà cầu cúng nhân lễ Vu Lan thì chẳng ích gì mà còn phản cảm.
|
Phật tử Huế. |
Cha mẹ đang còn thì hiếu kính, phụng dưỡng. Cha mẹ đã qua đời thì phải biết tưởng nhớ, niệm ân; biết gìn giữ những di sản mẹ cha truyền lại; biết nuôi dạy con cái để chúng cũng có cái đức hiếu kính, biết chăm ngoan, vâng lời, biết gìn giữ truyền thống của gia đình, biết lo học lo hành để trở thành người công dân hữu ích cho xã hội. Tâm niệm và làm được những việc đó mới là Vu Lan mà chư Phật khuyến khích, cũng là Vu Lan ý nghĩa mà toàn xã hội mong cầu.