Học sinh Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì giới thiệu sách đến bạn bè. Ảnh: Lê Thọ
Đã không ít lần có những cuộc bàn luận về việc đọc. Cũng có hai luồng ý kiến: Người thì cho rằng “ văn hóa đọc” đã đến hồi báo động. Nghĩa là người đọc sách ngày càng ít. Một luồng ý kiến khác thì ngược lại, đại ý chúng ta không nên bi quan lắm về việc đọc, vẫn còn có rất nhiều người thích sách.
Suy cho cùng đọc hay xem, đọc gì và xem gì là tùy sở thích của mỗi người; Tùy vào chuyên môn của từng người; điều kiện hoàn cảnh của từng người; và cũng tùy vào “phông văn hóa” của mỗi người nữa. Một người chạy mướt mô hôi để kiếm sống từng ngày thì cũng khó mà… có thời gian ngồi đọc sách. Nhưng một người, chẳng hạn như đã đến tuổi nghỉ hưu, ở thành phố không có vườn tược gì, nếu có một cuốn sách đặt trước mặt, thì khả năng người ấy đọc cuốn sách ấy sẽ rất cao. Cho nên nói đọc nhiều hay đọc ít cũng chỉ là võ đoán, không có một thống kê nào đảm bảo chắc chắn điều này.
Đối với người viết bài này, khi còn đại học theo học chuyên ngành Văn học, lúc đó thích đọc sách văn học. Đọc một phần vì thích thú và đọc cũng một phần vì phục vụ cho việc học và thi cử. Đọc lúc này mục đích rất rõ ràng. Khi ra trường đi làm chuyên ngành truyền hình. Lúc này thì thích xem hơn đọc. Xem cũng là một cách cảm và cũng để học. Học xem thử họ làm như thế nào, mình có thể học gì trong đó. Vậy là thời gian để đọc ít hơn. Đọc những cuốn tiểu thuyết dày cộp như hồi sinh viên lại càng không. Nhưng lúc này mỗi khi rảnh thì lại thích đọc những tản văn ngắn; những bình luận ngắn về những sự kiện thời sự; những vấn đề của xã hội.
Đây là những gì tự bản thân rút ra. Cũng không dám nói tất cả mọi người đều như vậy. Và cũng không chắc chắn đây là một “ lộ trình đọc” mà mọi người phải trải qua. Chỉ để nói rằng, sự đọc nó thật sự gây thích thú và hiệu quả khi nó phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng người. Và người viết bài này cũng tin rằng, chúng ta chỉ bắt đầu dẫn dụ người đọc bằng những tác phẩm hay. Những tác phẩm hay thường “gây nghiện” cho người đọc, từ đó sẽ kích thích sự hứng thú đọc. Điều này giải thích vì sao có những tên tuổi viết lách của Việt Nam cũng như thế giới, khi có thông tin về một cuốn sách của họ sắp xuất bản thì người đọc đón đợi. Những trường hợp như vậy ở Việt Nam trong những năm qua không thiếu. Những cuốn sách của một nhà văn trẻ ở vùng đất Phương Nam thấy được tái bản nhiều lần. Mấy cuốn sách viết lại những ký ức của một nhà văn nổi tiếng, chỉ là những mẫu chuyện được kể lại mộc mạc, đôi lúc có tính dí dỏm… nhưng nó hiện rõ cả một không gian, thời gian, số phận có khi là bi kịch và đầy xúc động của từng nhân vật … được đón đợi. “Cà phê sáng cùng Tony” với nhiều câu chuyện bày cho lớp trẻ về cách ăn cách ở, cách học hành, cách làm việc, cách sống… được giới trẻ đón nhận một cách hào hứng…
Có một điều cần khẳng định là người đọc không bao giờ “ quay lưng” với sách. Bây giờ điều kiện xuất bản sách không khó như hồi trước cho nên nhiều người xuất bản sách như là một nhu cầu tự thân, lưu giữ lại như là một kỷ niệm, tặng cho bạn bè, người thân… là hướng đến một đối tượng độc giả rất hẹp. Để sách đến được với độc giả một cách rộng rãi thì vấn đề là sách phải hay, phải dễ đọc, phải phù hợp với xu hướng của cuộc sống. Và một điều quan trọng nữa, muốn đến với người đọc, cần phải xác định đối tượng mà cuốn sách muốn hướng đến là những người như thế nào, nói rộng ra là tầng lớp nào, lĩnh vực nào. Bởi suy cho cùng, sách cũng là một hàng hóa. Đã là hàng hóa thì khó có thể đáp ứng hết mọi khách hàng một cách chung chung.
Sách hay là sách phụ thuộc vào những tài năng viết lách. Nếu chúng ta thiếu sách hay thì chúng ta đã thiếu những tài năng viết lách. Nếu trong một bối cảnh như vậy thì cũng đừng đòi hỏi gì nhiều đối với người đọc. Người đọc, với tư cách là người sử dụng hàng hóa, họ thừa thông minh để biết món hàng nào mình cần.
Lê Phương