Ấy là lâu lâu có chút rảnh rang, với tay lên giá sách, tùy hứng rút một cuốn mà đọc. Đôi khi cái sự ngẫu nhiên làm cho ta thích thú, thậm chí gợi những suy nghĩ về một điều gì đó khá thú vị. Ngày đầu đông Hà Nội, tôi đã lần giở cuốn sách cũ, in từ thời khó khăn thiếu thốn đủ đường, giấy đen, chữ nhỏ li ti như thách thức cặp mắt đã đến lúc phải dùng kính lão. “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” của Nguyễn Tuân. Cuốn sách in cách nay hơn bốn chục năm, giấy đã ngả vàng, sách cũ mà sự cuốn hút không hề cũ…
Đợi chờ
Xem ra là khen phò mã tốt áo, nhưng quả thật lần theo những trang sách in trên loại giấy đen của thời bao cấp khi sách còn là một thứ của hiếm mới thấy muốn nói to lên cái sự cảm thông với những văn tài một thời phải viết theo một yêu cầu nào đó và càng phục các đấng bậc dù trong điều kiện ấy vẫn có những áng văn tuyệt vời. Quý là ở chỗ trong khi viết nhằm phục vụ một mục đích tuyên truyền nào đó, cây đại thụ của văn chương Việt Nam vẫn có những chỗ, những dòng, những đoạn xúc động lòng người.
Lâu nay, có những người bạn được coi là thân thiết ở Huế, có cơ hội đi về đất Cố đô, tự thấy mình yêu Huế đã đành, lại nghiễm nhiên coi mình là người có chút hiểu về Huế, bạo gan mà hạ bút viết những dòng về Huế, nên khi giở cuốn “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, bài tôi đọc đầu tiên là thiên tùy bút tiêu đề rất gợi “Nhớ Huế”. Bài báo có lẽ được viết theo yêu cầu của báo Thống nhất dịp Xuân Mậu Thân. Cùng với những dòng hào sảng viết về Cố đô trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là hình ảnh đầy ấn tượng về lá cờ giải phóng “rộng chín sáu thước vuông” (một biểu hiện của sự kỹ lưỡng trong tùy bút Nguyễn Tuân) phần phật bay trên Kỳ đài thành Huế trong mùa Xuân lịch sử ấy. Lại bình tâm mà đọc kỹ thì thấy trong ba khổ của bài tùy bút mấy nghìn chữ này, cái thật sự lưu lại là những dòng viết về Huế, về cái tấm tình với Huế một thời và mọi thời. Đó là những dòng về ẩm thực, cốt cách con người Huế với những bữa cơm muối, như tác giả viết: “Nghe đờn xong thì ăn cơm muối, thật là cơm muối theo cái nghĩa đen chật hẹp của nó. Chỉ có cơm và muối. Muối rồi lại muối. Trong lòng mâm đồng tam khí, bày đủ 12 đĩa muối. Nào là muối riềng, muối tỏi, muối ớt, muối tiêu, muối hột phộng, muối sỏi sườn, muối mè… Bữa cơm đạm bạc nhai rất thong thả nơi nhà bà đờn để lại cho hai cha con tôi một dư vị mà sau này bao nhiêu thịt cá yến tiệc cũng không làm cho tôi quên được cái đậm đà có tính cơ bản, rất bình dị mà lại rất kiểu cách, rất là muối Huế đó. Và chép miệng mà thấy rằng cũng chỉ có ở Huế đó thì muối trắng mới đủ mùi, đủ màu như vậy, thì sự túng bấn mới trang trọng, tinh tế như vậy thôi”.*
Tung tăng
Rồi những dòng viết mà như không viết, tả mà không còn là tả, cho một cảm giác như đang đọc một đoạn thơ văn xuôi: “Đò Tuần hò ô cơn gió phá; nào là mái đẩy trận mưa cồn; súng nổ mở cổng thành và sáu nhịp cầu Trường Tiền rạng dần lên như ba cặp lông mày trắng thần lãng mạn nào soi mặt vào sông mỏi” (*)
Chỉ hơn trang sách, có cả những điều tôi chưa từng nghe, từng hiểu như lá đằng, gỗ mấc… mà sao gợi nhớ, gợi thương, như đã gói gọn cái hồn cả mảnh đất con người xứ Huế. Chỉ có nhớ lắm, hiểu lắm mới viết nổi như vậy và tôi bạo gan mà đồ rằng, cả thiên tùy bút vài nghìn từ Cụ Nguyễn về Huế, chỉ có hơn trang viết ấy là Cụ tâm đắc và sẽ còn mãi với thời gian, với Huế.
Đọc rồi lại không thể đừng được mà phải lục, phải tìm để xem lại những trước tác của Cụ về Huế, những dòng mà người Huế viết về cụ cùng Huế. Đọc, nghĩ và chợt ngộ: Yêu thôi chưa đủ, phải hiểu để mà yêu hết mình. Và chỉ có yêu hết mình mới có thể hiểu một cách thật sâu sắc. Là bởi lâu nay, tôi cứ nghĩ mình vì đã yêu Huế mà hiểu Huế, để giờ đọc trong một bài viết về cụ, lại thấy: “Mình đã uống rượu Chuồn từ khi các “mệ” chưa có trên cõi đời ni, nghe chưa!”. Là cụ nói với anh Ngô Minh và các văn nhân tài tử xứ Huế trong một lần thù tạc. Lại đọc Nguyễn Quang Hà để biết phút giây cụ hội ngộ với Hương Giang, con sông thấp thoáng trong “Vang bóng một thời” bằng sự quan sát vô cùng tinh tế: Một con sông nước không bao giờ có sóng, con sông hiền lành đẩy nhẹ cánh hoa vô định lừ đừ trôi một mình theo những cái xoáy nước yếu đuối…, sau mấy chục năm xa cách. Cụ nói như với một người bạn: Sông Hương ơi, Nguyễn Tuân đã về đây!
Vậy mà chỉ loanh quanh với những rượu làng Chuồn, nón Kim Luông, mắm chua, cơm hến, vả xanh… những tưởng rằng mình đã hiểu về Huế đủ để yêu Huế! Lại còn cả gan viết về Huế!
Và cũng chợt ngộ ra rằng, chỉ có những dòng xuất phát từ trái tim, gan ruột mới còn mãi với thời gian như những dòng cụ viết trong Nhớ Huế mà tôi trộm dẫn ra trong bài viết này. Phải yêu như cụ Nguyễn yêu Huế! Còn ra, dù tài khéo đến bao nhiêu cũng vẫn và chỉ là trò chơi với những con chữ, như một anh thợ lành nghề. Ngộ ra và lại ao ước một lần về Huế để mà học yêu như ai yêu Huế…
*Nguyễn Tuân- Nhớ Huế- Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, NXB Văn Học Giải Phóng. TP.HCM - 1976
Bài: Tạ Việt Anh
Ảnh: Doãn Quang - Văn Đình Huy