ClockThứ Bảy, 22/08/2015 16:39

Vì sao đợt xét tuyển đại học 2015 lại nhiều “tai tiếng” đến vậy?

TTH.VN - Bất cập trong chính sách, tùy tiện trong tổ chức thi và xử lý tình huống, không thể kiểm soát được việc xét tuyển…khiến đợt xét tuyển rối ren.

Thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn công tác đổi mới thi và tuyển sinh đại học làm khâu đột phá. Tuy nhiên, sau gần 1 năm từ khi công bố phương án và thực thi kỳ thi THPT Quốc gia lấy kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ đã xảy ra nhiều bất cập và gây căng thẳng, bức xúc cho xã hội.

Bất cập trong chính sách

Thứ nhất, thời điểm công bố phương án và các quy chế về công tác thi và tuyển sinh quá muộn khi mà năm học 2014-2015 đã đi hết 1/2 thời gian của năm học. Một điều hiển nhiên là muốn thực thi một chính sách cải tiến lớn trong giáo dục, đặc biệt là trong hoạt động đánh giá, thi cử, cần phải có giai đoạn thử nghiệm ở diện hẹp trước khi áp dụng triển khai đại trà trên diện rộng.

vi sao dot xet tuyen dai hoc 2015 lai nhieu "tai tieng" den vay? hinh 0
Hàng nghìn người chen chân, chờ đợi nộp, rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng tại ĐH Kinh tế Quốc dân vào những ngày cuối xét tuyển

Giai đoạn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ quan bỏ qua và tự tin vào việc triển khai thành công trên diện rộng dẫn đến khó điều chỉnh chỉnh sách với tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động thi THPT Quốc gia như vừa qua, tất yếu dẫn đến sự rối ren trong xã hội.

Thứ hai, có sự “nhầm vai” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT. Cụ thể: Việc tổ chức tác nghiệp liên quan đến thi tuyển là nhiệm vụ của các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT thì Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT lại đứng ra như là một “phòng đào tạo lớn” của tất cả các trường, các Sở; việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ của Sở GD-ĐT thì giao cho các trường ĐH, việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển là việc của các trường ĐH thì lại giao cho các Sở GD-ĐT tham gia.

Thứ ba, sự không nhất quán trong các hướng dẫn, làm theo kiểu “tùy hứng” không dự liệu các hậu quả của sự thay đổi này. Cụ thể là: Việc thay đổi đăng ký môn thi đến sát ngày thi làm khó cho các đơn vị tổ chức trong công tác chuẩn bị; học sinh em biết, em không dẫn đến chưa đảm bảo công bằng.

Thứ tư, quá rắc rối trong cách xét tuyển. Với 16 nguyện vọng xét tuyển thì chính thí sinh và phụ huynh cho dù có tuyên truyền đến đâu đi nữa cũng rất khó hiểu. Đặc biệt, với nhiều nguyện vọng đến như vậy thì chính các trường ĐH, CĐ cũng phải “căng mình” để thực hiện theo chính sách này và có lẽ phải mất 3 tháng mới xong được công tác tuyển sinh và dẫn đến làm đảo lộn mọi kế hoạch đào tạo của các trường trong năm học 2015-2016.

Tùy tiện trong tổ chức thi, xử lý các tình huống

Thứ nhất, việc tổ chức thi với bất kỳ một kỳ thi nào cần phải đảm bảo theo đúng qui chế của kỳ thi. Tuy nhiên, kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã cho thấy tính tùy tiện thay đổi các nguyên tắc “bất biến” của quy chế thi, đó là việc cho các thí sinh đến nhầm môn thi (cho dù chỉ là cụm thi tốt nghiệp) được đổi môn khác ngay trong kỳ thi để có thể đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Thứ hai, trong quá trình tổ chức thi, xử lý các tính huống không theo nguyên tắc của một kỳ thi, đơn cử như: việc thiếu đề thi môn Hóa học tại một địa điểm thi của cụm thi do ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) chủ trì. Với tình huống này, cần phải hoãn ca thi tại đây để thí sinh thi vào ngày dự phòng hoặc in sao đề thi dự phòng cho các thí sinh tại địa điểm thi này, chứ không thể dùng đề thi chính thức vì có thể đề thi đã bị lộ ở hội đồng thi này.

Còn tình huống tại hội đồng thi Đà Lạt, khi cán bộ coi thi kí nhầm vào phần của cán bộ chấm thi thì yêu cầu các thí sinh chép lại bài thi môn Toán. Trong khi lẽ ra vẫn cho thí sinh tiếp tục làm bài thi bình thường và sau khi tổ chức chấm thì cho chấm chung tất cả các bài thi này sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của thí sinh.

Thứ ba, chưa khoa học khi làm tròn điểm thi theo từng môn thi, theo nguyên lý làm tròn 1 lần tổng điểm khi xét tuyển thì mới đảm bảo độ công bằng cho tất cả các thí sinh. Đặc biệt là bất cập trong việc làm tròn điểm số môn thi của các môn thí trắc nghiệm hoàn toàn như Vật lý, Sinh học, Hóa học.

Tạo sự nghi vấn trong xã hội về điểm thi

Sau khi công bố điểm thi và phân bố điểm thi thì đề thi của hầu hết các môn thi chưa thể hiện tính phân loại các thí sinh, với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT thì đề thi này đã đảm bảo mục tiêu đề ra, nhưng dùng chung cho mục tiêu xét tuyển các trường ĐH, CĐ thì sự phân biệt giữa thí sinh có năng lực trung bình, trung bình khá và khá không thể tách ra thành từng nhóm, gây khó khăn cho công tác xét tuyển.

Mặt khác, trong quá trình công bố điểm thi, ngoài các bất cập do hạ tầng công nghệ thông tin thì việc không cho các cụm thi công bố điểm thi do cụm thi đứng ra tổ chức thi và chấm thi, đồng thời có sự thay đổi 3 lần công bố phổ điểm; thiếu phổ điểm chung toàn bộ các thí sinh tham gia kỳ thi, thiếu phổ điểm cho các thí sinh ở cụm thi đại phương, có sự chênh lệch giữa điểm thi xem trong phần mềm của Bộ GD-ĐT với phiếu báo điểm, sự chênh lệch quá cao của các bài thi sau khi chấm phúc khảo dẫn đến có sự nghi ngờ về tính minh bạch của điểm thi của các thí sinh khi Bộ GD-ĐT tập hợp và quản lý bảo mật.

Như vậy, có thể thấy một câu hỏi của dư luận xã hội “Kết quả thi THPT Quốc gia có đáng tin cậy không?”, sẽ là câu hỏi này khó đối với Bộ GD-ĐT (kể cả thanh tra Bộ có kiểm tra đi nữa thì âu cũng là “tay trái xem tay phải mà thôi”). Vì vậy, khi chưa có câu trả lời xác đáng của Bộ GĐ-ĐTchắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục .

Không thể kiểm soát được tình hình trong xét tuyển

Càng gần đến ngày kết thúc đợt nhận phiếu đăng ký xét tuyển thì các thí sinh và người nhà thí sinh càng lo lắng trong trạng thái “một mất một còn” để rút ra – nộp vào. Điều bất cập ở đây là thí sinh được tự do rút – nộp quá nhiều lần mà chủ yếu làm thủ công dẫn đến rối lại càng rối hơn.

Ngoài ra, với 4 nguyện vọng của lần xét thứ nhất này sẽ làm con số ảo lên rất nhiều nếu các trường ĐH, CĐ không có cách phân chia theo các nguyện vọng cho hợp lý ở các ngành theo thứ tự ưu tiên mà thí sinh đã đăng ký.

Mặt khác, có rất nhiều trường ĐH, CĐ dùng phần mềm xét tuyển riêng mà không dùng phần mềm chung của Bộ GD-ĐT, dẫn đến sẽ khó có tính liên thông rút – nộp giữa các trường với nhau, do đó phải trường này cập nhật rút hồ sơ thì trường kia mới nhập được.

Một điểm nữa cũng cần cảnh báo là ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc thí sinh nộp chuyển nguyện vọng tại Sở GD-ĐT nếu gặp phải trục trặc hoặc thất lạc? Ai sẽ là người rút cho các em phiếu điểm nguyện vọng 1 tại các trường đã nộp để chuyển cho các trường mà các em thay đổi nguyện vọng? Ai sẽ phải trả kinh phí khi chuyển các giấy chứng nhận điểm?

Đặc biệt, rất dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực “hợp lệ” trong quá trình nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, khi có hàng ngàn hồ sơ nộp vào cuối ngày 20/8, dẫn đến hiện tượng cán bộ thu nhận điều chỉnh hồ sơ đăng ký vào các ngành chắc chắn sẽ đỗ.

Một số đề xuất

Thứ nhất: Cần có cơ quan xem xét, kiểm tra lại toàn bộ việc tổng hợp dữ liệu, đối chiếu kết quả điểm của các thí sinh giữa các cụm thi so với điểm tổng hợp của Bộ GD-ĐT đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thi cử.

Hơn nữa, cần phải có phân tích kết quả thi của các địa phương theo cụm đại học, cụm địa phương, kết quả phân tích cho các Sở GD-ĐT các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên về điểm thi để các đơn vị này biết rõ về chất lượng các môn học, từ đó xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ thông.

Thứ hai: Hãy trả đúng “vai” cho các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ trong công tác thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH; Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước.

Hay nói cách khác là để các sở GD-ĐT tổ chức đánh giá kết thúc bậc THPT và để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học đã quy định sao cho gọn nhẹ, linh hoạt, tiên tiến nhưng đảm bảo minh bạch và công bằng trong xã hội./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Return to top