Chăm sóc vườn thuốc Nam ở Trạm Y tế xã Phú Thanh (Phú Vang)
Những ngày đầu mới giải phóng, ngay ở Thủy Phương, người dân quê đi kinh tế mới ở Phú Sơn hay đầu nguồn sông Hai Nhánh bị sốt rét, không có nơi chữa trị, người thân phải băng rừng vượt suối, gồng gánh người bệnh về đồng bằng. Có không ít trường hợp phải đi cả ngày trời nhưng cũng không cứu được người thân.
Khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ trước, những trạm y tế xã đầu tiên ở Bình Trị Thiên, trong đó có Trạm Y tế xã Thủy Phương, nay là phường Thủy Phương ra đời. Có thể xem sự xuất hiện của các trạm y tế cơ sở bấy giờ là kết quả của chủ trương phát triển “điện - đường - trường - trạm” đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Điện thì mãi sau nay mới thực hiện được, nhưng cùng với trường và đường, trạm (y tế) đã đi trước một bước. Lúc đầu, các trạm y tế cơ sở được trang bị khá sơ sài, thuốc men cũng chỉ là mấy viên “xuyên tâm liên” có tác dụng “chữa bá bệnh” nên chẳng thu hút được nhiều bệnh nhân. Thế nhưng, điều dễ dàng nhận thấy là các trạm y tế ở cơ sở đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình y tế Quốc gia mà trước đó chưa hề có.
Năm 1986, lần đầu tiên ở các trạm y tế cơ sở xuất hiện các bác sĩ về làm việc. Trong tâm trí người dân quê Huế khi ấy, bác sĩ là một nghề quý hiếm, chỉ được bắt gặp ở những bệnh viện lớn hay các cơ sở khám chữa bệnh tại thành phố. Nay có “bác sĩ về làng” là chuyện trong mơ đã thành sự thật. Lúc bấy giờ, ở huyện Hương Phú có các bác sĩ Chung ở Vinh Hà, bác sĩ Thảo ở Phú Thuận, bác sĩ Hương ở Thủy Phương, bác sĩ Loan (Thủy Vân) và cả bác sĩ Trúc (nay là vợ tôi) ở Thủy Phù...Bác sĩ Chung “về làng” hết giờ làm việc cũng trồng rau, trồng màu như một nông dân thực thụ. Tôi được biết, sau đó anh lên huyện và trước khi về hưu là Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy.
Mới đây, tôi có dịp lên Phú Sơn (thị xã Hương Thủy). Ghé thăm trạm xá xã, một cơ ngơi y tế ngoài sức tưởng tượng của mình. Trước năm 1975, Phú Sơn là một địa bàn chiến tranh ác liệt. Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, vùng đất này được biết đến với trận chiến Mỏ Tàu khủng khiếp, súng nổ rền vang, ta và địch giành nhau từng tấc đất, ngọn cỏ. Sau giải phóng, một vùng kinh tế mới được hình thành ở đây, tập hợp người dân từ Thủy Phương, Thủy Phù, Thủy Tân, nay thuộc thị xã Hương Thủy lên và năm 1982, xã mới Phú Sơn được thành lập. Trạm Y tế xã Phú Sơn có được sự bề thế hôm nay là minh chứng, là kết quả của chiến lược đầu tư y tế hướng về cơ sở của Đảng và Nhà nước ta.
Gần đây, bên cạnh chú trọng phát triển các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Bình Điền, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, Bệnh viện Phong và Da liễu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, mạng lưới y tế cơ sở ở Thừa Thiên Huế tiếp tục được củng cố. Đến nay, tất cả các trạm y tế xã, phường đều được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, tầng hóa ngày càng khang trang. Các trạm y tế đều có bác sỹ, cán bộ chuyên trách y học cổ truyền, nữ hộ sinh. Ngoài ra, mạng lưới y tế thôn, bản cũng từng bước được củng cố và phát triển và gần 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, các trạm y tế được trang cấp thiết bị chuyên môn hiện đại (máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, kính hiển vi, máy phun hóa chất chống dịch...). Toàn bộ các trạm y tế trong toàn tỉnh đều được trang bị máy vi tính và nối mạng internet để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành y tế và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa phương. Thông qua các trạm y tế cơ sở, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng biển, đầm phá....Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận bình đẳng với dịch y tế cơ bản, ngày càng có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng đã và đang thu hút người dân vào cuộc tích cực và chủ động hơn.
42 năm sau ngày giải phóng, quê hương Thừa Thiên Huế đã có nhiều đổi thay vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Và sự xuất hiện, phát triển của trạm y tế tuyến cơ sở với hình ảnh người bác sĩ về tận thôn, bản là một biểu tượng sinh động cho sự đổi đời ở mọi vùng đất ở Thừa Thiên Huế.
Đan Duy