ClockThứ Tư, 08/06/2022 09:29

Bùng phát bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn. Ảnh: Vinmec.com

Chào bác sĩ tư vấn, trong thời gian vừa qua, qua báo – đài tôi nghe thông tin bệnh tay chân miệng bùng phát nặng. Gia đình tôi, có cháu nhỏ rất lo. Xin bác sĩ tư vấn nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng?

minhthi1985@gmail.com

Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Thế nào là bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm, lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên những trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Nguyên nhân – Cách lây bệnh

Nguyên nhân chính gây bệnh là vi rút Enterovirus 71(EV71) và Coxsackievirus A16. Đây là vi rút đường ruột gây ra nguồn lây chính là từ nước bọt, phân, phỏng nước của trẻ bị nhiễm bệnh dễ lây lan thành dịch.

Bệnh có biểu hiện chính là da bị tổn thương, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng. Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng có thể mắc đi mắc lại, bởi bệnh này không có miễn dịch vĩnh viễn. Thêm vào đó, bệnh cũng bị gây nên bởi nhiều tác nhân khác nhau nên người đã mắc bệnh rồi vẫn có thể bị mắc lại. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phổi bị phù dẫn đến nguy cơ tử vong.

Dấu chứng biểu hiện bệnh tay chân miệng

Bệnh nhân tay chân miệng có da bị tổn thương, niêm mạc dưới dạng phỏng nước thường xuất hiện nhiều tại tay, chân, miệng.

Tình trạng mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên bị đau họng.

Sốt.

Sau giai đoạn khởi phát, bệnh xuất hiện dấu hiệu đau trong miệng, có đốm đỏ và sau đó trở thành viêm loét, có thể bị viêm loét ở trên lưỡi.

Da bị phát ban.

Một số trường hợp bệnh nhân tay chân miệng không có bất cứ biểu hiện bệnh nào hoặc có một số trường hợp chỉ xuất hiện phát ban, loét miệng.

Xuất hiện vết bỏng nước, thường có kích thước từ 2-10mm, hình bầu dục, màu xám, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, có thể có bóng nước trong miệng và khi bóng nước này vỡ ra khiến cho trẻ bị đau do vết loét trong miệng dẫn đến tình trạng trẻ chán ăn, bỏ ăn. Sau khoảng từ 5-7 ngày, bóng nước sẽ xẹp đi và tự khỏi, trẻ có thể bị nôn ói, tiêu chảy sau khi bóng nước nổi hoặc sau khi bóng nước xẹp.

Cách xử trí khi mắc bệnh tay chân miệng

Nếu có dấu hiệu bệnh trở nặng, ba mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay lập tức

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng cần phải được theo dõi sát, phát hiện bệnh sớm, khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đồng thời luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch nhằm chống lại những tác động tiêu cực do bệnh gây ra như vết loét, sốt cao, đồng thời phòng ngừa và hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Phòng bệnh tay chân miệng

Nếu ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp như:

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết

Cách ly trẻ bệnh tại nhà: không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh

Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly

Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm

Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.

Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám,...

Bệnh tay chân miệng có nguy cơ lây lan nhanh và rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy những người bệnh phải đặc biệt chú ý khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải lưu ý và theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng ở trẻ.

TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ hiện nay

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/8/2024 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về căn bệnh đáng lo ngại này.

Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ hiện nay
Ghi dấu chân tình nguyện trong mùa hè

Mỗi khi hè về, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế lại sục sôi phong trào tình nguyện hè. Từ những vùng bãi ngang ven biển đến vùng biên giới xa xôi, những nơi khó khăn, vất vả đã in đậm dấu chân và những giọt mồ hôi của lực lượng thanh niên tình nguyện (TNTN).

Ghi dấu chân tình nguyện trong mùa hè

TIN MỚI

Return to top