Con số mới nhất từ trang báo điện tử của Chính phủ cho thấy, số lượng người thiệt mạng vì virus Ebola ở Tây Phi đã lên đến gần 1.000 người trong tổng số gần 1.800 trường hợp. Thêm 10 trường hợp mới nhiễm virus Ebola ở Nigeria, hai người trong số đó đã thiệt mạng là con số tính đến ngày 10/8. Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone là 4 quốc gia đã xuất hiện dịch Ebola. Trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” này, WHO - Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch Ebola là một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 8/8 và cho biết, đây là vấn đề có thể sẽ kéo dài nhiều tháng.
Trước nguy cơ của đại dịch này, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1392/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế và các nước có liên quan để nắm bắt tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam, chủ động lên kế hoạch và tham mưu kịp thời cho Chính phủ trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công an, Ngoại giao để triển khai tốt việc giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola để có phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó là việc triển khai ngay việc tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức tốt việc phân tuyến và thu dung điều trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong, không để lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế và lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng...
Với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC) cũng vừa được thành lập vào sáng 11/8 tại Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) để đáp ứng với các dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Một kế hoạch hành động Phòng chống dịch bệnh Ebola với ba tình huống cụ thể cũng đã được Bộ Y tế xây dựng và ban hành. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu lực lượng kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu phải tiến hành các biện pháp giám sát, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt. Bắt đầu từ ngày 15/8 tới, việc triển khai tờ khai y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế sẽ được đưa vào thực hiện.
Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Hoàng Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, ngay trong ngày chủ nhật (10/8), Sở Y tế đã có phiên họp khẩn cấp để thành lập Ban chỉ đạo nhằm chủ động ứng phó với đại dịch này; đồng thời, đã xây dựng một kế hoạch chi tiết trình Chủ tịch UBND tỉnh và đưa vào triển khai thực thi trên toàn địa bàn ngay sau khi được phê duyệt. Chiều 11/8, Sở Y tế cũng đã triệu tập đội ngũ liên quan để triển khai tập huấn bước đầu trước khi có một kế hoạch triển khai rộng rãi hơn để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, khống chế dịch bệnh này. Cũng theo ông Hoàng Hữu Nam, bên cạnh việc giám sát, kiểm dịch tại ga hàng không Sân bay Phú Bài, ngành đã có kế hoạch giám sát chặt chẽ đối với du khách đến Huế bằng đường thủy tại Cảng Chân Mây. Với sự phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Y tế đã thiết lập và đưa vào diện quản lý 4 lao động là người địa phương vừa trở về từ Lybia. Thông tin khác là qua kiểm tra, 4 lao động này đều không trở về từ vùng có dịch nên bước đầu có thể tạm yên tâm, dù không chủ quan...