ClockThứ Ba, 27/07/2021 07:15

“Chỉ mong sức khỏe để hỗ trợ đồng nghiệp tốt nhất có thể”

TTH - Từ “điểm nóng” Đồng Tháp, TS. BS. Phan Hải Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, Trưởng đoàn Y tế của Thừa Thiên Huế tăng cường hỗ trợ miền Nam đã dành khoảng thời gian quý giá để chia sẻ về tình hình tại Bệnh viện Sa Đéc. Nơi đây, 32 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Huế đang tác chiến phòng, chống COVID-19.

Bệnh viện Trung ương Huế tham gia hỗ trợ Đồng Tháp chống dịch

 TS. BS Phan Hải Thanh

Thông tin về đoàn y tế tăng viện cho tỉnh Đồng Tháp, TS. BS. Phan Hải Thanh cho biết: Trong số hơn 120 thành viên đoàn y tế của tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ miền Nam, nhóm 32 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Huế được tăng cường về Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Tại thời điểm này, tình hình sức khỏe của toàn đoàn đều rất tốt và tinh thần phấn chấn, dù cường độ công việc rất vất vả. Các thành viên trong đoàn rất đoàn kết, có tinh thần tương trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn để hỗ trợ một cách tốt nhất cho các đồng nghiệp ở đây. Đoàn cũng đã có những buổi chia sẻ, trao đổi và rút kinh nghiệm với Bệnh viện Sa Đéc. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình về cho Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại phía Nam và lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế Đồng Tháp.

Công việc của đoàn y tế Thừa Thiên Huế tại Đồng Tháp gồm những gì, thưa ông?

Bệnh viện Sa Đéc đang điều trị hơn 150 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 20 bệnh nhân rất nặng. Hỗ trợ các đồng nghiệp điều trị bệnh nhân COVID-19, chúng tôi tập trung mọi khả năng thực hiện mục tiêu của Bộ Y tế là giảm nguy cơ tử vong đối với nhóm bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch. Thứ hai, tham gia điều trị những bệnh nhân có triệu chứng vừa và nhẹ, phát hiện sớm những dấu hiệu sẽ diễn biến chuyển nặng trong quá trình điều trị để có những phòng ngừa hữu ích. Tránh để xảy ra tình trạng bệnh nhân không được điểu trị tốt và rơi vào tình huống chuyển nặng, nguy cơ tử vong cao. Thứ ba, huấn luyện cho bạn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tất cả các mức độ, từ nhẹ, vừa đến nặng và nguy kịch. Đặc biệt là hỗ trợ cho các bạn trong công tác hồi sức tích cực trong nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch, công tác điều trị bằng máy thở, lọc máu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện bệnh nhân… Thứ tư, nhiệm vụ rất quan trọng là huấn luyện cho bạn về quy trình cũng như cách thức kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và người nhà… Ngoài Bệnh viện Sa Đéc, đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế cũng được Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại phía Nam và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mời đi thăm nhiều bệnh viện khác trong tỉnh và đưa ra những góp ý trong quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Liệu sự khác biệt của văn hóa vùng miền có khiến sự phối hợp tác chiến giữa đoàn thầy thuốc Thừa Thiên Huế và các đồng nghiệp ở Đồng Tháp phát sinh khó khăn?

Cho đến nay, sự phối hợp này chưa có gì khó khăn cả. Nếu có chút gì đó liên quan đến giọng nói, thì đoàn của Thừa Thiên Huế phát huy kinh nghiệm ra Bắc vào Nam đã nhiều, luôn cố gắng nói chậm, nói to và khi cần thì có thể nói theo giọng miền Nam để bạn dễ nghe, dễ hiểu. Trên tinh thần dồn lực tốt nhất để chữa trị đạt hiệu quả cao cho bệnh nhân, nên tất cả mọi đồng nghiệp ở Bệnh viện Sa Đéc đều rất đồng lòng đoàn kết, phối hợp tốt và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi công tác với đoàn của Bệnh viện Trung ương Huế. Nhờ đó, công việc của đoàn Thừa Thiên Huế khá thuận lợi.

Tình hình dịch bệnh ở Đồng Tháp và các tỉnh phía Nam vẫn rất phức tạp. Điều đó có ảnh hưởng đến tâm lý đã chuẩn bị từ trước của đoàn? 

Qua 3 đợt bùng phát COVID-19 trước, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 2, toàn bộ thành viên đoàn đều đã có sự chuẩn bị tinh thần rất tốt từ ở nhà. Mọi người được huấn luyện kỹ về phương tiện bảo hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn, chuyên môn kỹ thuật và đặc biệt là đã chuẩn bị kỹ về mặt sức khỏe và tâm lý. Tất cả thành viên đoàn đều là những người đã viết đơn tình nguyện từ lâu, nên khi có mặt tại tâm dịch Đồng Tháp mọi người rất thoải mái trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là tiếp tục giữ gìn sức khỏe tốt để phục vụ một cách tốt nhất cho những bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Sa Đéc, cũng như những bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở những bệnh viện khác trong tỉnh mà Sở Y tế Đồng Tháp yêu cầu phối hợp, hỗ trợ bất cứ lúc nào.

Từ thực tế của Đồng Tháp, ông nghĩ như thế nào về hệ thống cơ sở của tỉnh ta trong “cuộc chiến” này?

Theo tôi, hệ thống y tế của Thừa Thiên Huế rất tốt, với nòng cốt là Bệnh viện Trung ương Huế có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và điều trị bệnh COVID-19 qua những đợt dịch bùng phát trước đây.

Đặc biệt, trong đợt thứ 2, khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập một trung tâm cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 với đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại. Trung tâm đã thu dung, điều trị những ca bệnh COVID-19 nặng từ các tỉnh trong khu vực miền Trung và có những thành công nhất định, tỉ lệ tử vong thấp và không có tình trạng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, chúng ta có sự phối hợp tốt giữa Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y – Dược Huế (Đại học Huế), Sở Y tế và nhiều bệnh viện tuyến dưới trong tỉnh đã được chuẩn bị đảm bảo. Do vậy, tôi tin Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện y tế để ứng phó với tình hình dịch bệnh.

Vừa qua, nhóm y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp trải qua một đêm trắng để cấp cứu thành công một ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng. Ông có thể chia sẻ thêm về tin vui này?

Chúng tôi gặp tình huống này sau 3 ngày nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Sa Đéc. Lúc ấy, ở Bệnh viện Phổi Đồng Tháp có một ca bệnh COVID-19 rất nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn và suy đa phủ tạng. Ngay trong đêm, đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế đang ở Bệnh viện Sa Đéc đã chạy xuyên đêm sang Bệnh viện bệnh Phổi, mang theo hệ thống máy móc để lọc máu cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân đang tạm thời qua cơn nguy kịch. Với những trường hợp này, ngoài việc điều trị triệu chứng, hỗ trợ chống nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nếu không được áp dụng những biện pháp để can thiệp mạnh như lọc máu, thì nguy cơ tử vong rất cao.

Hiện, Đồng Tháp chưa có thiết bị để triển khai kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể). Vừa qua, chúng tôi cũng đã chuyển một ca bệnh là sản phụ đang nguy kịch lên bệnh viện tuyến trên ở Cần Thơ để chạy ECMO. Sắp tới, nếu Đồng Tháp đầu tư những trang thiết bị cần thiết để thực hiện kỹ thuật ECMO, chúng tôi sẵn sàng cử chuyên gia ECMO giỏi hỗ trợ chuyển giao cho Đồng Tháp kỹ thuật này ngay tại đây.

Với thế mạnh chuyên môn của Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn đã thuận lợi như thế nào khi hỗ trợ các bạn đồng nghiệp ở Đồng Tháp, thưa ông?

Từ kinh nghiệm diễn tập xử lý tình huống xuất hiện ca bệnh ngay từ khi mới ghi nhận một số ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), cũng như thường xuyên được tập huấn về quy trình điều trị và an toàn phòng dịch, Bệnh viện Trung ương Huế có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Vì có nhiều kinh nghiệm nên có nhiều đơn vị y tế trong cả nước đã mời Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ và huấn luyện chuyển giao những kỹ thuật khó trong điều trị ca bệnh COVID-19.

Chúng tôi có mặt ở đây với tinh thần “đồng lòng, đoàn kết, hỗ trợ hết sức đơn vị bạn trong phòng chống COVID-19”. Đồng thời, cũng không ngại trong việc chuyển giao những kỹ thuật cao trong điều trị, sẵn sàng huấn luyện lại, cầm tay chỉ việc những kỹ thuật thông thường. Làm sao để khi đoàn Huế đã trở về địa phương thì đơn vị bạn vẫn có thể tiếp tục tự thực hiện được những kỹ thuật mà đoàn tăng viện của Huế đã làm, tiếp tục điều trị các bệnh nhân nặng, đẩy lùi COVID-19 mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Sau hơn 10 ngày chi viện hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp, chiều tối ngày 25/7, đoàn công tác gồm 20 y, bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Huế đã rời Đồng Tháp trong đêm để tiếp tục chi viện, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ đạo khẩn cấp của Bộ Y tế. 12 thành viên còn lại vẫn tiếp tục ở lại để hỗ trợ, điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, kèm theo nhiều bệnh nền nặng. Đồng thời chuyển giao, hướng dẫn những quy trình chuyên môn về chăm sóc dinh dưỡng, phục hồi chức năng... đào tào nguồn nhân lực, thực hành trang thiết bị, cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc khánh thành đi vào hoạt động Trung tâm Hồi sức tích cực với 50 giường bệnh của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top