ClockChủ Nhật, 28/01/2024 07:33

Tạo “văn hóa hiến tặng mô tạng” từ trong bệnh viện

TTH - Có nhiều rào cản từ hành lang pháp lý đến thực tiễn hiến tặng mô tạng người cho chết não tại Việt Nam. PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm) chia sẻ:

Cho sự sống nối dàiĐào tạo tư vấn viên và vận động hiến tặng mô, tạng

 PGS.TS. Đồng Văn Hệ

Hiện, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não ở Việt Nam ở mức rất thấp, trung bình khoảng 0,1%/1triệu dân/năm. Nếu so với nước đứng đầu thế giới như Tây Ban Nha: 50%, đất nước chúng ta bằng 1/500 của họ. So với nước đứng đầu châu Á, Hàn Quốc tỷ lệ hiến tạng khoảng 10-11% thì Việt Nam chỉ bằng 1/100.

Vì sao tỷ lệ hiến ở Việt Nam chưa cao? Có điều gì khác biệt trong nhìn nhận HTMT giữa nước ta và các quốc gia khác?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nói trên ở Việt Nam thấp: Người dân hiểu không đúng, chẳng hạn như quan niệm “chết phải toàn thây”, do tôn giáo không ủng hộ và những lý do về mặt cá nhân khác. Chung quy lại, người châu Á chưa có cái nhìn cởi mở trong việc hiến tạng. Một nguyên nhân quan trọng khác do chúng ta chưa có hệ thống hoạt động tư vấn hiến tạng cho người chết não ở trong bệnh viện đủ tốt như mô hình ở nước ngoài; công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự đều và quyết liệt… Những lý do cơ bản tôi nêu ra ở trên sẽ là cơ sở để Trung tâm rà soát, định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Nguồn tạng hiến vẫn chưa được đánh giá, nhìn nhận đầy đủ trong cộng đồng như xác định ca chết não hay trường hợp qua đời vì tai nạn giao thông…?

Người hiến tạng chết não là nguồn quan trọng bậc nhất giảm thiểu rủi ro so với hiến tạng khi sống. Điều này còn tránh tình trạng buôn bán tạng, tránh những chuyện phiền nhiễu hay phức tạp ảnh hưởng đến người bệnh, giảm bớt việc vi phạm pháp luật. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam hòa đồng với các nước, thực hiện Tuyên ngôn Istanbul 2008 về hiến tạng (Người nhận không phải bỏ ra và người hiến không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào cho việc hiến và nhận tạng).

 Đăng ký hiến mô tạng tại lễ hội Xuân hồng Huế 2023

Từ con số 0,1%, Việt Nam có thể “học tập” các nước Đông Nam Á, như Thái Lan chẳng hạn. Đất nước xứ sở chùa vàng vừa công bố tỷ lệ hiến tặng mô tạng từ người cho chết não là 6,7%. Nhiều hoạt động cần phải làm mới đạt được con số như nước bạn. Chúng ta sẽ có kế hoạch nhằm nỗ lực tăng có lộ trình số lượng người hiến tặng mô tạng.

Văn hóa hiến tạng tại bệnh viện hiện vẫn là thuật ngữ khá xa lạ?

“Văn hóa hiến tạng chết não” trong bệnh viện đúng là thuật ngữ xa lạ đối với người Việt nói chung; ngay cả trong giới y khoa nói riêng đôi khi nhiều người vẫn còn chưa biết đến. “Văn hóa hiến tạng”, đặc biệt là hiến tạng của người chết não trong bệnh viện như thế nào, tất cả các nhân viên y tế biết, hiểu, thấy những lợi ích của hiến tặng mô tạng. Tất nhiên, trong lĩnh vực y tế, đa phần cán bộ ngành y sẽ ủng hộ, nhưng một số ít người vẫn chưa hiểu hết điều này.

Một khi đã gọi là “văn hóa” thì tất cả các hoạt động ban giám đốc, các khoa, phòng, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, nhân viên làm việc trong môi trường bệnh viện đều phải quan tâm. Họ sẽ thay đổi nếu chưa ủng hộ. Còn người ủng hộ thì liệu họ sẽ biến sự ủng hộ thành hành động hay không vẫn chưa chắc. Cho nên, muốn tạo “văn hóa”, chúng ta phải biến những mong muốn, ủng hộ đó thành hoạt động; hoạt động đó không phải chỉ diễn ra ngày một ngày hai mà phải thường xuyên. Vấn đề này phải được nói, được quan tâm và đề cập tới với ý nghĩa nhân văn cao cả. Có như vậy mới tạo được một bước chuyển lớn về hiến tặng mô tạng...

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách pháp luật về hiến mô tạng đang bộc lộ bất cập. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Chính sách pháp luật trong những nghị định, thông tư xuất hiện bất cập bởi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã ra đời cách đây 17 năm, chắc chắn sẽ có những bất cập. Sự tiên tiến của y khoa, sự phát triển của ngành ghép tạng, những khó khăn từ thực tế, vấn đề mới phát sinh… chắc chắn không riêng gì ở Việt Nam mà bất cứ nước nào có luật thực hiện lâu như vậy sẽ cần sửa đổi. Thiết nghĩ, luật sẽ có thay đổi, chỉnh sửa phù hợp với mục đích cao cả là cứu được nhiều người hơn.

Hiện, các bệnh viện khá lúng túng chưa có quy chuẩn hoặc cách thức hoạt động về tư vấn hiến tạng/ quản lý nguồn tạng hiến. Để định hình dần con đường chung cho các đơn vị ở lĩnh vực này, chúng ta cần làm gì?

Câu hỏi này cũng là một phần trong những nhiệm vụ quan trọng mà Trung tâm đang thực hiện. Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là cầu nối của tất cả các “bệnh viện ghép” trên toàn quốc, cũng như các “bệnh viện hiến”. “Bệnh viện hiến” có thể là một danh từ mới - những bệnh viện không thực hiện ghép tạng song lại có nguồn tạng tiềm năng, họ kết nối vào mạng lưới, chúng tôi cho họ hướng dẫn, quy trình chuẩn để thực hiện.

Thời gian tới đây, chúng tôi cùng các hội như Hội Hiến mô tạng, Hội ghép tạng, Hội Gây mê hồi sức, Hội Phẫu thuật thần kinh - Nội thần kinh, Hội Cấp cứu... và các hội chuyên môn liên quan đến hoạt động chẩn đoán chết não, hồi sức chết não, ghép tạng... Hội Chữ thập đỏ và các ban, ngành khác thực hiện tư vấn cần phải cùng tham gia, cùng hoạt động, cùng đưa ra những bước làm việc cụ thể, nhằm huy động cao nhất nguồn hiến từ người cho chết não.

Đã đến lúc thay đổi cách thức truyền thông để thay đổi nhận thức về hiến mô tạng trong cộng đồng?

Các hoạt động về tư vấn điều phối, khuyến khích, truyền thông chúng ta vẫn phải làm, thậm chí phải quyết liệt hơn trước đây nhưng có một phần được cho là mới, đó chính là tư vấn truyền thông trong bệnh viện, định hình văn hóa hiến tạng trong bệnh viện.

Trước đây, bệnh viện chỉ quan tâm đến điều trị bệnh nhân, những trường hợp điều trị không thành công, người bệnh sẽ trở thành người chết não, chết tim, đó là nguồn hiến tạng tiềm năng. Chúng ta phải truyền thông hướng tới những đối tượng, trường hợp không may bị chết não, không qua khỏi để gia đình họ sẽ sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng ủng hộ, chia sẻ với người không may bị bệnh hiểm nghèo.

Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

Báo cáo của Hội đồng châu Âu cho thấy, Đông Nam Á và châu Phi là những vùng có tỷ lệ ca ghép từ người cho sống cao nhất. Theo số liệu thống kê mới nhất, đa phần tạng hiến tại Việt Nam đến từ nguồn người cho sống 94,12%; nguồn người cho chết não chỉ chiếm 5,82%. Đến hết tháng 10/2023, có hơn 78 nghìn trường hợp người đăng ký hiến mô tạng sau chết, chết não. Ước tính mỗi ngày, nước ta có khoảng 36 người phải từ giã cuộc sống vì không được ghép tạng.


Linh Giang (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

Một nghiên cứu của Mỹ vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, những người nhiễm HIV có thể an toàn nhận thận hiến tặng từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã chết. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi để được ghép tạng trên diện rộng, bất kể tình trạng HIV của bệnh nhân.

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

TIN MỚI

Return to top