ClockThứ Ba, 26/11/2019 13:45

Chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá

TTH - Những năm gần đây, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ở Thừa Thiên Huế được chú trọng, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn.

Bệnh viện nói không với thuốc láTuyên truyền phòng, chống thuốc lá qua hội thi

Truyền thông vận động từ bỏ thuốc lá tại Nhà Văn hóa Thông tin thị xã Hương Thủy

Chuyển biến ở công sở

Khi có Luật PCTHTL ra đời vào năm 2013, các ban ngành, tổ chức đơn vị, địa phương quan tâm, chỉ đạo đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch tuyên truyền hàng năm và lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt thường kỳ. Quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc được đưa vào nội quy, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, người lao động thực hiện theo quy định. Nhờ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị ngành y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch xây dựng được môi trường làm việc không khói thuốc.

Hơn 6 năm nay, TP. Huế đã nỗ lực phấn đấu xây dựng thành phố du lịch nói không với thuốc lá. Hàng năm, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế văn hoá công sở có nội dung cấm hút thuốc lá nơi làm việc; cam ký việc vi phạm hút thuốc lá đưa vào tiêu chí thi đua phấn đấu danh hiệu “Cơ quan, đơn vị văn hoá”. Ban chỉ đạo PCTHTL thành phố phối hợp với Quỹ PCTHTL Quốc gia, các ban, ngành, đơn vị chức năng tổ chức hội nghị tập huấn, nói chuyện tuyên truyền Luật PCTHTL cho CB-CNVC-LĐ; cam kết thực hiện văn hoá công sở theo chủ đề Ngày Thế giới PCTHTL hàng năm.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh là một điển hình. Từ sự quan tâm của người đứng đầu, Chi cục quan tâm vận động tuyên truyền, đến nay 100% cán bộ nhân viên nói không với thuốc lá, tạo môi trường an toàn, sạch, thoáng... nơi công sở.

Theo bác sĩ Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, kết qủa trên là một quá trình. Ban đầu, bằng những lời động viên, chia sẻ, sau đó đến cam kết tìm giải pháp phù hợp để cai thuốc lá hiệu quả. Từ 1-2 trường hợp quyết tâm cai thuốc lá dần dần tạo hiệu ứng dây chuyền cho các đồng nghiệp khác.

Câu chuyện nói không với thuốc lá hiện nay dễ nhận thấy trên các chuyến xe buýt ra Phong Điền hay về Phú Lộc. Tình trạng tài xế, hành khách phì phèo khói thuốc trên xe nay đã vắng hẳn. Mới đây, làm khách trên chuyến xe buýt từ TP. Huế ra Phong Điền, một vị khách ngồi cạnh tôi chia sẻ, buồn ngủ muốn làm vài hơi thuốc cho tỉnh nhưng thấy các biển cấm hút thuốc lá trên xe nên thôi và đang cố gắng cai thuốc. Từ những biển hiện trực quan trên những chuyến xe buýt tạo hiệu ứng cho người dân để giảm sử dụng thuốc lá. 

Tăng cường xử lý đúng luật

Hiện, tỷ lệ CB-CNVC-LĐ trong công sở, cơ quan hành chính sự nghiệp bỏ thuốc lá đáng kể. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ về Luật PCTHTL. Hình ảnh người dân hút thuốc lá ở các điểm công cộng, như bến xe, nhà ga, công viên vẫn thường xuyên diễn ra.

Mới đây, một nam thanh niên thản nhiên hút thuốc trước quầy bán vé tại bến xe phía nam TP.Huế mà chung quanh họ rất nhiều người cảm thấy khó chịu bởi khói thuốc. Hành vi của thanh niên này chẳng có ai nhắc nhở, xử phạt. Bóng dáng của đơn vị chức năng, người có tránh nhiệm thực thi Luật PCTHTL ở nơi công cộng hiện nay quá mờ nhạt.

Điều nữa, trong khi các cơ quan đơn vị đẩy mạnh phong trào PCTHTL thì việc trao đổi mua bán thuốc lá ở quán ăn, nhà hàng, công viên, đường phố... chưa có sự ràng buộc, cấm nghiêm túc. Ai cần hút thì mua. Ai cần mua thì có người bán. Đây là thực trạng đang gây những khó khăn, giảm sức lan tỏa trong việc tuyên truyền PCTHTL đến với người dân hiện nay.

Đại diện Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế cho rằng, để mỗi cơ quan, đơn vị và các địa chỉ công cộng trên địa bàn không còn khói thuốc, vấn đề quan trong không chỉ dừng lại là tuyên truyền đến người dân về PCTHTL mà ban, ngành chức năng cần mạnh tay trong thực thi Luật PCTHTL và kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc mua bán thuốc lá hiện nay.

Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, năm 2015, số tiền người dân chi mua thuốc lá là 31 nghìn tỷ đồng; tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, đường hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Bài, ảnh: Minh Cương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá điếu?

Gần đây, các sản phẩm thuốc lá nung nóng (TLNN) đã xuất hiện và nhanh chóng thu hút sự chú ý, đặc biệt là ở giới trẻ, với hứa hẹn giảm thiểu tác hại hơn thuốc lá điếu truyền thống. Sự thật như thế nào?

Thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá điếu
Return to top