ClockThứ Năm, 30/11/2023 06:49

Điều trị COPD hiệu quả, phải bỏ hút thuốc

TTH - Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Có 15% người hút thuốc lá mắc COPD và 90% người mắc COPD có tiếp xúc với thuốc lá. Ở Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế, mỗi năm có hơn 4.000 người đến khám, chữa bệnh, trong đó có nhiều người hút thuốc và nhiều người bị các bệnh về phổi do nguyên nhân này.

Cúm nguy hiểm với người mắc bệnh mãn tínhSàng lọc miễn phí hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tínhCẩn trọng với bệnh không lây nhiễm

 BS Dương Vĩnh Hồng kiểm tra phim chụp phổi của một bệnh nhân

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ thứ hai trong số 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư thực quản… các bệnh tim mạch và hô hấp.

COPD là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 tại Việt Nam chỉ sau đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Mỗi năm có 25.000 ca tử vong và nhiều hơn người chết vì tai nạn giao thông. Đáng lo ngại là căn bệnh này vẫn đang gia tăng.

Thuốc lá là vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mặc dù tác hại của nó được in hẳn trên bao bì. Dù không hút trực tiếp nhưng sống chung, khói thuốc hít qua phổi sẽ ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành tác nhân gây nên nhiều căn bệnh. Thời gian gần đây, COPD ngày càng được quan tâm vì tần suất mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng cao: Trên thế giới có khoảng 384 triệu người mắc COPD, mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD. Nguyên nhân hàng đầu gây ra COPD là thuốc lá. Thực tế cho thấy, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 10 lần so với người bình thường.    

COPD là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể dự phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng triệu chứng hô hấp và sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phần tử và khí độc hại.

Có hai yếu tố chính trong nguy cơ gây COPD. Đầu tiên là môi trường: Hút thuốc chủ động và thụ động; ô nhiễm môi trường; nhiễm trùng đường hô hấp kéo dài không được điều trị... Thứ hai là yếu tố nội tại: thiếu hụt men anpha 1 antitrypsine; tăng tính phản ứng phế quản; bất thường trong quá trình trưởng thành của phổi.

Có nhiều triệu chứng lâm sàng của COPD: Ho, khạc đờm mạn tính. Ho và khạc đờm dai dẳng thường xuất hiện nhiều năm trước tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí, mặc dù không phải tất cả mọi người ho và khạc đờm sẽ phát triển thành COPD. Lưu ý tình trạng khó thở tăng dần, khó thở ngay cả khi không phải gắng sức nhiều. Ngoài ra còn có tình trạng lo lắng, mỏi mệt, suy giảm các cơ quan chức năng… Theo BSCKI. Dương Vĩnh Hồng, Trưởng Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phổi tỉnh, bệnh biểu hiện rõ có thể qua thăm khám hoặc không cần thăm khám: Lồng ngực hình thùng, gõ vang; rì rào phế nang giảm, ran rít ran ngáy, ran nổ… hay các triệu chứng của tâm phế mạn. Tại các bệnh viện chuyên khoa, để chẩn đoán chắc chắn COPD, phải đo chức năng hô hấp. Trong vòng 15-20 phút, kết quả sẽ được phần mềm máy tính sẽ cho biết bệnh nhân có bị tắc nghẽn hay không. Dựa trên mức độ bệnh sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.

COPD thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, nếu người thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu là ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức, nên đi khám, kiểm tra chức năng phổi để được tư vấn điều trị điều trị. Đưa người bệnh đến cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu nguy hiểm: Ho, khạc đờm, khó thở tăng hơn thường ngày; nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng…

Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn của của bác sĩ, đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh. “Điều quan trọng đầu tiên là phải bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Phần lớn các trường hợp bệnh liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá và cách tốt nhất để ngăn ngừa là bỏ hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc khi có người khác hút và các khói bụi do ô nhiễm môi trường", BS. Hồng lưu ý.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ giúp BN tập thở và tập ho có kiểm soát theo hướng dẫn. Ngoài ra có thể đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Tại Bệnh viện Phổi tỉnh, câu lạc bộ các bệnh nhân mắc COPD mỗi quý sinh hoạt một lần. Thông qua các buổi sinh hoạt, BN sẽ chia sẻ kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình điều trị, đồng thời các thắc mắc cũng được bác sĩ giải đáp, hướng dẫn tập phục hồi chức năng hô hấp. Nếu bị COPD mức độ nặng, hãy sống lạc quan, làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần. Nếu tình trạng sức khỏe xấu đi thì nên chuẩn bị sẵn số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện mà bạn có thể đến ngay được, danh sách các thuốc bạn đang dùng.

Bài, ảnh: VĨNH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

TIN MỚI

Return to top