Riêng trong ngày 24/2, số ca mắc mới đã lên tới 69.128 ca, đưa số ca mắc của Việt Nam từ đầu dịch tới nay vượt con số 3 triệu người.
Cùng với số ca mắc tăng cao, số F0 điều trị tại nhà cũng tăng mạnh tại nhiều địa phương. Sự quá tải của hệ thống y tế địa phương dẫn đến việc các F0 khó hoặc chậm được tiếp cận y tế, phải tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen để xin đơn thuốc, tự điều trị.
F0 nào được điều trị tại nhà?
Khách hàng mua thuốc tại nhà thuốc tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Bộ Y tế đã có Quyết định 250/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Theo hướng dẫn mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19, gồm: không có triệu chứng lâm sàng, nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch.
Trước đó, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế chỉ phân loại các bệnh nhân COVID-19 theo 4 mức độ bệnh gồm nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch
Như vậy, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã có thêm nhóm F0 không triệu chứng. F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" ban hành kèm theo tại Quyết định 261/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện: Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;
Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.
F0 cần chuẩn bị những thuốc gì?
Theo các bác sĩ, các F0 không triệu chứng phải tuân thủ chặt chẽ quy định tự cách ly ở khu vực riêng biệt, tránh tiếp xúc với người xung quanh, sát khuẩn hàng ngày và đảm bảo kết nối thường xuyên với nhân viên y tế để được theo dõi. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý ăn uống đủ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng và chuẩn bị sẵn các loại thuốc thiết yếu
Các F0 điều trị tại nhà nói chung và F0 không triệu chứng nói riêng cần dự phòng một số loại thuốc và vật tư y tế cần thiết.
Theo đó, thuốc dự phòng gồm: Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol...; Nhóm thuốc chữa ho; Nhóm thuốc tiêu chảy; Nước súc miệng; Cồn sát trùng; Các thuốc cho bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); Thuốc xịt mũi các loại; Vitamine C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, ho.
Cùng với đó là nước uống thông thường, nước bù điện giải (rất quan trọng khi sốt và mắc COVID-19). Ngoài ra, người bệnh cần uống đủ lượng nước để duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giúp bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn.
Đây là các thuốc cần có sẵn trong nhà, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất ngờ. Đặc biệt, triệu chứng của COVID-19 hay xuất hiện vào ban đêm nên cần chuẩn bị sẵn.
Vật tư y tế dự phòng gồm có: Nhiệt kế; Máy đo SpO2; Que test nhanh; Khẩu trang; Găng tay; Các máy theo dõi bệnh nền; Những vật tư này cần thiết để người bệnh tự cách ly, tự theo dõi.
Nhóm thuốc không nên dự phòng, tự điều trị gồm: Kháng sinh; Kháng viêm; Kháng virus.
Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…; Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
5 sai lầm trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà
Trước tình trạng số F0 điều trị tại nhà tăng cao, các F0 không gọi được y tế phường hoặc phải chờ lâu, nhiều F0 tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen để xin đơn thuốc, tự điều trị… dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh, vitamin tràn lan. Thậm chí có những F0 tham khảo thông tin trên mạng xã hội, kinh nghiệm rỉ tai… nên kiêng tắm gội trong thời gian mắc bệnh…
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà) đã chỉ ra 5 sai lầm mà các F0 hay mắc phải trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Đó là xông hơi, đánh gió quá nhiều lần mỗi ngày, vì theo bác sĩ Hoàng, xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus. Xông hơi, đánh gió giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
“Chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày 1 lần”, bác sĩ Hoàng lưu ý.
Cần dùng kháng viêm corticoid trong những ngày đầu, khi SpO2 còn trên 95%. “Đây là vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng chưa hề thấy suy giảm. Rất nhiều F0 dùng methylprednisolon (4 hoặc 16mg), dexamethasone hoặc prednisolon không đúng”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng: Kháng viêm corticoid bản chất là thuốc ức chế miễn dịch, khi cơ thể đang sốt cao, chiến đấu quyết liệt chống lại virus, thì lại đưa corticoid vào, ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khác gì tiếp tay cho virus tấn công, "nhà tôi đây, mời anh xơi". Khi SpO2 còn trên 95%, khi chưa phải thở oxy thì tất cả các nghiên cứu cho đến nay đều khuyến cáo mạnh mẽ: Chống chỉ định dùng corticoid.
Bên cạnh đó, khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng, chống lây nhiễm tốt.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cho biết: Tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, “tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp các yếu tố khác nữa như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày cả”.
Thay vì tiền mất tật mang, chỉ cần thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng các dung dịch có chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,20%. Cách súc họng hiệu quả vui lòng Google. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày có thể súc 3-4 lần.
Trong quá trình tư vấn cho các F0, bác sĩ Hoàng cho hay, nhiều người dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch. Hiện tại, có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kẽm, vitamin C, D liều cao có thể giúp người bệnh COVID-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.
“Khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con mình, có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm”, theo bác sĩ Hoàng, mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt.
Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, các bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả.
Về việc sử dụng kháng sinh đối với F0, theo bác sĩ Hoàng, kháng sinh không có tác dụng gì với virus.
Thực tế thì một số người cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm virus, sức đề kháng giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn.
Với các bệnh nhân nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn là có. Những người lúc bình thường hay viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... thì cũng nên cân nhắc sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.
“Tuy nhiên có người dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn”.
Việc lạm dụng kháng sinh về cơ bản không gây chết người như kháng viêm corticoid, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng.
“Khi sử dụng kháng sinh, nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Theo Tin tức TTXVN