|
Kiểm soát cân nặng giảm nguy cơ ngừng thở khi ngủ. Ảnh: Bảo Phước |
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh khi đang ngủ có những cơn ngưng thở hoàn toàn, lặp lại ít nhất 10 lần trong mỗi giấc ngủ đêm. Thực tế bản thân người bệnh rất khó biết được mình mắc hội chứng này bởi nó chỉ xảy ra khi ngủ. Hội chứng này có 3 thể bệnh khác nhau: Ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương và ngưng thở hỗn hợp. Trong đó, ngưng thở tắc nghẽn là thể bệnh thường gặp nhất phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% người bệnh đi khám và biết về tình trạng bệnh của bản thân để điều trị. Còn lại sống chung với căn bệnh này cho đến khi biến chứng không may xảy ra.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là do khi ngủ, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Không khí đi qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm oxy trong máu và đánh thức phần não liên quan để kích hoạt hoạt động thở. Ban đầu cơ ngực sẽ phải hoạt động nhiều hơn để thông khí bù lại quãng thời gian bị ngưng thở. Sau khi hơi thở trở lại bình thường thì quy trình này lại lặp lại, khiến người bệnh bị ngưng thở khi ngủ lặp lại nhiều lần trong đêm.
Những yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ là người có nguy cơ cao gặp vấn đề về xoang, béo phì, phì đại VA, lưỡi hoặc amidan làm tăng nguy cơ hoặc khiến người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng hơn. Đa phần người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có đồng thời gặp vấn đề về thần kinh hoặc suy tim. Nam giới có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn gấp 2 lần nữ giới, đa phần đến tuổi trung niên mới bắt đầu khởi phát và tiến triển nặng. Hội chứng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, khiến người bệnh mệt mỏi, tăng nguy cơ tai nạn lao động, giảm chất lượng cuộc sống,…
Thực tế, 90% người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thể tắc nghẽn không biết về tình trạng bệnh của bản thân. Nguyên nhân do triệu chứng chỉ xảy ra khi ngủ, nghĩa là bệnh nhân không ý thức được tình trạng này đang xảy ra. Hội chứng này sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Do vậy, nếu bạn đang gặp các vấn đề sau thì hãy kiểm tra nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, gồm: Đau đầu khi thức dậy vào buổi sáng; Buồn ngủ nhiều vào ban ngày kể cả khi ban đêm ngủ dài và không bị thức giấc; Ngủ ngáy, lúc ngủ có khi bị ngạt thở, ngừng thở, dấu hiệu này cần người bên cạnh giúp bạn kiểm tra; Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung do chất lượng giấc ngủ kém và oxy nuôi não không đáp ứng tốt; Tăng huyết áp kháng trị; Béo phì, thừa cân, cấu trúc bất thường ở vùng hàm mặt…
Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ngưng thở khi ngủ, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau: Thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm và thảo mộc trước khi đi ngủ để giúp khí huyết lưu thông. Tư thế ngủ nằm nghiêng về một bên có thể ngăn ngừa được tình trạng ngưng thở khi ngủ. Nong mũi bằng nước muối để hỗ trợ hoạt động thở được dễ dàng hơn. Xây dựng một lối sống khoa học với chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ chất, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, không sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ mắc hội chứng này thì tốt nhất nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng. Vì đôi khi, những triệu chứng được kể ở trên không phải do hội chứng ngưng thở mà là dấu hiệu của các vấn đề nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, huyết áp, suy tim…
Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng