ClockThứ Sáu, 05/07/2024 05:54

Lo ngại ho gà quay trở lại

TTH - Bệnh ho gà đang xuất hiện trên địa bàn tỉnh sau một thời gian dài vắng bóng. Bệnh nhi hầu hết dưới 3 tháng tuổi, trong đó có 1 ca dương tính được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế.

Hỗ trợ gà thương phẩm tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèoThiếu vắc-xin 5 trong 1: Người tiêm dịch vụ, kẻ lo lắngHương Văn: Hỗ trợ gà giống cho 100 hộ khó khăn

Kiểm tra sức khỏe bệnh nhi có biểu hiện cơn ho gà tại Khoa Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới 

Khó nhận biết

Trong phòng bệnh Khoa Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, các bệnh nhi sơ sinh được thăm khám, theo dõi chặt chẽ.

Bé Lê Đ.V. 2 tháng tuổi. Lúc 1 tháng 20 ngày, bé bị sốt, ho. 10 ngày sau đó, cơn ho cứ kéo dài, mặt trẻ đỏ bừng, quanh miệng tím tái. Chị B.Tr. (TX. Hương Thủy), mẹ bệnh nhi kể: “Em chỉ nghĩ con bị cảm thông thường thôi. Chưa tới lịch tiêm chủng mũi vắc-xin đầu tiên, bé đã phát bệnh. Hiện bé bú ít nên em phải chia làm nhiều cử sữa cho con ăn”.

Nằm giường cạnh bên là bé Hồ Khả M.Kh., 3 tháng tuổi ở TP. Huế. 15 ngày trước, thấy con ho kéo dài, gia đình đưa trẻ đi khám bác sĩ tư nhưng uống thuốc hoài không đỡ sốt, ho nên chuyển cháu vào BVTW Huế. Theo gia đình, vì bé bị đau nên đến thời điểm tiêm vắc-xin Kh. không thể tiêm chủng theo lịch. Mẹ bé cho hay, thấy bác sĩ bảo con bị ho gà, chị rất lo, sợ con đau kéo dài sẽ kiệt sức”.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi trùng, lây qua đường hô hấp, xảy ra chủ yếu ở trẻ nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh... Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện 7-10 ngày đầu nên khó nhận biết nếu không theo dõi chặt chẽ. Ban đầu, người bệnh sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, ho từng đợt. Cơn ho gà rũ rượi khó kìm hãm, tiếp đó là tiếng thở rít như tiếng gà, có thể kèm theo nôn.

Cho kết quả dương tính với ho gà rõ ràng, một bé trai chưa kịp đặt tên tại TP. Huế phải chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi. Trước đó bé đã nhập viện điều trị ổn định nhưng lại xuất hiện triệu chứng viêm phổi, lên cơn tím tái khó thở. Bé được thở oxy, điều trị kháng sinh theo phác đồ. Bệnh nhi này chỉ mới tiêm mũi vắc-xin phòng bệnh viêm gan B thì phát bệnh và nhập viện vào BVTW Huế từ đầu tháng 6 đến nay. Chị Lê Thị T.M., mẹ bé chia sẻ: “Em lên mạng tìm hiểu thông tin và nghĩ rằng ho gà được thanh toán từ lâu, vậy mà con mình lại mắc bệnh. Giờ chỉ mong cháu được điều trị dứt điểm. Mỗi lần con ho rũ rượi nhìn thắt cả ruột chị ạ”.

Những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh, bệnh này khá hiếm gặp. Vậy mà ba tuần, BVTW Huế tiếp nhận 5 ca bệnh nghi ngờ ho gà, trong đó 1 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính; hai ca khác đang chờ kết quả xét nghiệm. ThS.BS. Trần Thị Hạnh Chân, Phụ trách Khoa Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi, BVTW Huế cho biết: “Ho gà nặng thường hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng với biểu hiện cơn ho kéo dài, người tím tái. Thời gian điều trị bệnh này ít nhất 14 ngày, nhằm tránh tình trạng tái phát. Ho gà có thể có biến chứng, thường gặp là viêm phổi; trẻ ho kéo dài, khó thở, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy não, co giật. Do tình trạng ho kéo dài, trẻ ăn uống kém nên cần bổ sung chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi để bệnh nhân hồi phục”. Khi trẻ có cơn ho kéo dài 15 - 20 lần, gây ra tím tái khi ho, thở rít, nôn thì nên đưa trẻ đi khám. Bệnh này là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan trong 5 ngày đầu, nếu trẻ không được điều trị. Nếu điều trị thì sau 5 ngày, tỷ lệ lây bệnh sẽ giảm dần.

Tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ mũi

BS. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phân tích: Phần lớn trẻ bị bệnh đợt này đều dưới 3 tháng tuổi. Trong số ca bệnh nói trên, có 2 trẻ đã tiêm vắc-xin 5 trong 1, hoặc 6 trong 1, nghĩa là thời gian tiêm phòng đến khi phát bệnh quá ngắn.

Nguyên nhân là do trẻ chưa có miễn dịch, hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ thời gian miễn dịch. Trong khi đó, bà mẹ có kháng thể tiêm phòng nhưng lượng kháng thể duy trì trong máu không lớn, nên không đủ truyền qua cho con. Với loại vắc-xin phòng ho gà, các chuyên gia nhận định phải 14 ngày sau mới tạo miễn dịch trong cơ thể con người.

Ngay khi nhận được thông tin có ca bệnh ho gà xuất hiện, CDC tỉnh đã cử lực lượng về nơi cư trú của BN điều tra dịch tễ, đồng thời tuyên truyền cho người dân ở khu vực xung quanh về nâng cao vệ sinh cá nhân, bởi đây là bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Đơn vị cũng ra công văn khuyến cáo bà mẹ trước khi mang thai nên tiêm thêm vắc-xin 3 trong 1, hoặc 4 trong 1 (có các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) nhằm tạo miễn dịch cho con. Trong thai kỳ, bà mẹ có thể tiêm vắc-xin dịch vụ mũi nhắc lại. Với cộng đồng, BS Sanh khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm đúng lịch, đủ mũi. Tiêm phòng càng sớm càng tốt để có miễn dịch kịp thời.

Từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số trẻ trong cả nước không được tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Do đó, độ bao phủ vắc-xin thấp hơn, dẫn đến nguy cơ dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Tại các tỉnh, thành khác, bệnh ho gà xuất hiện phần lớn do khoảng trống miễn dịch. Từ góc độ khác, khoảng trống miễn dịch này cũng có một phần hậu quả của việc đã có không ít ông bố bà mẹ "nói không" với nhiều loại vắc-xin cho con.

Nhằm phòng tránh bệnh ho gà, ngoài tiêm phòng vắc-xin, các bác sĩ lưu ý gia đình nên cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh cơ thể, giữ môi trường nơi ở sạch sẽ, hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người. Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh, hãy cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu

Hãng Thông tấn AFP ngày 11/12 trích dẫn cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho hay, tình trạng ô nhiễm “hóa chất vĩnh cửu” ở các vùng nước tại khu vực châu Âu thường vượt quá ngưỡng quy định, được đặt ra nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu
Hai Nhánh - Quãng sông bi hùng - Kỳ 1: Ký ức khó phai mờ

Từ cuối Xuân đến đầu Thu năm nay, tôi đã nhiều lần trở lại vùng sông Hai Nhánh. Và để đến được nơi này không thể không cám ơn sự giúp đỡ của Thị ủy Hương Thủy, của chính quyền xã Dương Hòa và gia đình Cựu chiến binh Hồ Đắc Lực. Do không có đường bộ nên nhờ có họ mà chúng tôi mới có dịp theo thuyền thăm lại chiến khu xưa.

Hai Nhánh - Quãng sông bi hùng - Kỳ 1 Ký ức khó phai mờ
Châu Âu lo ngại về sự suy thoái

Châu Âu đang ngày càng gần với suy thoái khi các nền kinh tế lớn nhất gồm Đức và Pháp đang phải vật lộn với những khó khăn cả về chính trị và kinh tế trong nước.

Châu Âu lo ngại về sự suy thoái
Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính

Ngày 29/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thông tin, trong hai tuần qua địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 5 ca nghi ngờ ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính. Hiện, các bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính
Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy

Sáng 12/7, đại diện UBND huyện Nam Đông cho biết, chợ Khe Tre đã hoạt động trở lại sau hơn 7 tháng tạm dừng để thi công, sửa chữa khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 12/2023.

Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy

TIN MỚI

Return to top