Người dân được chọn khám chữa bệnh BHYT phù hợp (ảnh minh họa)
Theo quy định hiện hành, những trường hợp khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định; các trường hợp bệnh nhân khi cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB.
Chị Nguyễn Thị Ly, đang cư trú tại phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) chia sẻ, trước đây tôi đăng ký KCB ban đầu ở tỉnh Quảng Trị. Từ khi về hưu, tôi chuyển vào Huế sinh sống cùng các con nên rất khó khăn trong việc đi khám sức khỏe, điều trị bệnh. Sắp tới, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, tôi không phải đi lại nhiều mà vẫn được hưởng BHYT đúng tuyến”.
Còn anh Nguyễn Văn Thành ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) cho biết: Quy định mới này là một tin vui đối với nhiều người tham gia BHYT. Bệnh tật không ai muốn, nhưng khi có bệnh ai cũng muốn được điều trị tại các bệnh viện có chất lượng tốt, được hưởng những kỹ thuật chuyên sâu. Giờ BHYT đã cho thông tuyến tỉnh, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến tỉnh mà mình muốn”.
Chính sách về BHYT đã tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình. Khi thực hiện thông tuyến tỉnh, người có thẻ BHYT có nhiều thuận lợi khi không cần giấy chuyển viện mà vẫn được KCB và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc. Hơn nữa, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến tỉnh. Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh còn thúc đẩy chất lượng KCB, buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao kỹ năng tay nghề, thu hút người bệnh nếu không người bệnh sẽ không đến điều trị.
Thừa Thiên Huế có 3 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Mắt. Hiện, các bệnh viện này đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật cao, các phương pháp điều trị hiện đại nên lâu nay đã tiếp nhận một lượng bệnh nhân trong tỉnh và từ các khu vực lân cận đến KCB. Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh đối với chính sách BHYT là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT, bởi khi quyền lợi được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT, người dân sẽ tham gia tích cực. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra quan ngại tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ kéo theo chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhất là trong bối cảnh mức đóng BHYT của người dân còn thấp và các chi phí điều trị cao.
Theo ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, việc triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và tạo ra sự cạnh tranh bằng chất lượng cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Điều đó đòi hỏi những cơ sở khám, chữa bệnh trước đây trông chờ vào số bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh.
Vấn đề đặt ra là khi thông tuyến BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú sẽ gia tăng, bởi nếu chỉ khám, chữa bệnh ngoại trú thì người dân không được hưởng BHYT. Đồng nghĩa với chi phí y tế cũng gia tăng, tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Thế nên, để quản lý tốt quỹ BHYT bảo đảm đúng người, đúng quyền lợi, BHXH tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thẻ BHYT xác định đúng người có thẻ khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngành BHXH cũng tăng cường các biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đây sẽ là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với những trường hợp trục lợi quỹ BHXH.
Bài, ảnh: HUẾ THU