Điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Võ Nhân
Kinh nghiệm các nước
Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán sớm không tăng qua hơn 10 năm, chứng tỏ việc sàng lọc ung thư đang còn một khoảng trống lớn. Tình hình ở các nước phát triển thì ngược lại.
Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới trong sàng lọc ung thư. Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, Chính phủ nước này khởi động các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó có bao cấp chi phí cho các xét nghiệm sàng lọc ung thư dạ dày, tử cung sau nữa là phổi, đại tràng và vú. Vào thời đó, không một quốc gia nào bao cấp trên diện rộng các chương trình sàng lọc ung thư như ở Nhật. Tuy nhiên, đến năm 1998 thì chương trình bị tác động rất lớn do chi phí sàng lọc được “tính đúng, tính đủ”. Ngân sách cho sàng lọc ung thư hạn chế, số lượng người được sàng lọc giảm, kèm theo đó chất lượng sàng lọc cũng là một vấn đề.
Trong khi đó ở châu Âu và Mỹ, sàng lọc ung thư bắt đầu trở thành một chương trình quốc gia vào những năm 90. Kết quả là tỷ lệ sàng lọc tăng đáng kể. Điển hình trong ung thư vú, chỉ sau 5 năm, tỷ lệ sàng lọc cho phụ nữ trên 50 tuổi tăng gấp đôi, từ 25% lên 51% và tất nhiên, điều này giúp kéo giảm tỷ lệ tử vong do ung thư. Gọi thời kỳ đó là “10 năm đã mất”, đến nay Nhật đã nỗ lực áp dụng kinh nghiệm của các nước châu Âu và Mỹ là, cần có sự tham gia của bảo hiểm y tế, đồng thời tập trung xây dựng hệ thống kiểm soát và duy trì chất lượng sàng lọc.
Vậy, kinh nghiệm của họ là gì?
Thứ nhất, đó là sự vào cuộc “có điều kiện” của bảo hiểm y tế và huy động các nguồn tài trợ khác một cách căn cơ. Tại Úc, hiện có chương trình quốc gia sàng lọc miễn phí ba loại ung thư: đại tràng, vú và cổ tử cung, tất nhiên chỉ với các đối tượng có nguy cơ cao. Tại Hoa Kỳ, có Medicare là chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ chi trả phí sàng lọc một số loại ung thư (vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi, tuyến tiền liệt) cho các đối tượng có nguy cơ được bác sĩ xác nhận.
Thứ hai, chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sàng lọc. Phương pháp tốt nhất để đánh giá tính chính xác của sàng lọc ung thư là kiểm tra chéo giữa số liệu ghi nhận ung thư và số liệu sàng lọc, xác định độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính... của từng xét nghiệm sàng lọc. Để chuẩn hóa các phương pháp sàng lọc, nhiều nước xác định các tiêu chí rất cụ thể với yêu cầu khắt khe. Chẳng hạn ở Anh, với một xét nghiệm nhũ ảnh đều được đặt ra mục tiêu, tiêu chuẩn, chuẩn tối thiểu, kết cục hướng tới... và khi thực hiện bất kỳ một sàng lọc ung thư vú nào trong phạm vi Vương quốc Anh, các tiêu chuẩn này phải được tuân thủ và kiểm soát nghiêm ngặt từ cấp trung ương.
Tại Việt Nam
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư cho rằng, hiện nay tại Việt Nam, việc phát hiện sớm, dự phòng ung thư, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư vẫn dừng ở giai đoạn... xây dựng đề án, và rằng, đến khi đề án được trình Bộ Y tế thông qua mới có thể đánh giá sẽ có bao nhiêu người được tuyên truyền phòng bệnh, sàng lọc phát hiện bệnh sớm vì còn tùy thuộc vào nhân lực và vật lực, đặc biệt với sàng lọc chỉ có thể mở rộng khi bảo hiểm y tế chi trả chi phí.
Tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 4/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015, ở phần bệnh ung thư nêu rõ: “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư; tăng 5 - 10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng”. Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Văn Thuấn, từ năm 2008 khi bắt đầu triển khai, việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vẫn còn là thí điểm vì kinh phí chưa nhiều. Đến năm 2016, kinh phí cũng chỉ cho phép dưới 100.000 người được tham gia sàng lọc bệnh sớm, kể cả phần hỗ trợ từ các quỹ.
Thực tế cho thấy, trong khi chờ đợi một chương trình quốc gia bài bản về sàng lọc phát hiện sớm ung thư, việc bỏ qua một số thủ thuật khám, xét nghiệm khi khám sức khỏe định kỳ đã bỏ lỡ cơ hội sàng lọc một số ung thư thường gặp. Như đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới về sàng lọc ung thư ở Việt Nam: “Không khám vú, chụp nhũ ảnh để sàng lọc ung thư vú, không tìm máu ẩn trong phân, không nội soi để sàng lọc ung thư đại tràng, không làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo (PAP test) để sàng lọc ung thư cổ tử cung...”.
Phân biệt sàng lọc và phát hiện sớm
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo sàng lọc một số ung thư thường gặp: Ung thư vú (phụ nữ trong độ tuổi từ 40 - 55); ung thư đại trực tràng (từ 50 tuổi trở lên); ung thư cổ tử cung (phụ nữ từ độ tuổi 20 trở lên); ung thư phổi (trong độ tuổi từ 55-75); ung thư tuyến tiền liệt (đàn ông trên 50 tuổi).
|
Chắc chắn một điều, người dân hiện nay vô cùng lo lắng về ung thư nhưng vẫn hoang mang làm cách nào để khám phát hiện sớm ung thư cho hiệu quả. Có người nói rằng, tôi đi khám thường xuyên cho đến khi bị ung thư mà vẫn không biết. Có phụ nữ vài ba tháng lại đi chụp phim XQ vú (nhũ ảnh) một lần, ở nhiều cơ sở khác nhau. Có người băn khoăn nếu chưa có những dấu hiệu báo động ung thư thì có nên đi khám? Làm các xét nghiệm máu nào có thể phát hiện ung thư...
Trước hết, cần phân biệt sàng lọc và phát hiện sớm. Sàng lọc ung thư (cancer screening) không dành cho tất cả mọi người mà chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ, và chưa từng xuất hiện các triệu chứng. Các xét nghiệm sàng lọc được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào từng loại bệnh ung thư, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình... Còn phát hiện sớm (early detection) áp dụng cho những người đã có các dấu hiệu hay triệu chứng báo động ung thư.
Tuy nhiên, hiện vẫn có một số ngộ nhận phổ biến về sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Người dân đừng vì quá lo sợ bị ung thư mà cứ “đâm đầu” đi khám, bất chấp những tổn hại về thể chất và tinh thần, tiền bạc hay thời gian, bởi: Không có một phương tiện, thiết bị hay xét nghiệm duy nhất nào có thể sàng lọc phát hiện sớm tất cả các loại ung thư. Các xét nghiệm máu tìm dấu ấn (chất chỉ điểm) khối u (tumour marker) không giúp phát hiện sớm ung thư và, các chất chỉ điểm chỉ có hiệu quả để đánh giá hiệu quả của việc điều trị ung thư mà thôi. Xét nghiệm nào cũng có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả vì chúng lệ thuộc vào chất lượng máy móc, thiết bị, hóa chất, trình độ người làm xét nghiệm... Những lúc đó, cần nhất là sự tư vấn tận tình của bác sĩ chuyên khoa.
TS.BS. PHẠM NGUYÊN TƯỜNG