Ảnh minh họa
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 7.350 trường hợp mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong tại Lâm Đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc mới giảm 24%; số ca nhập viện là 6.048 (giảm 25,3%).
Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 354.282 trường hợp mắc SXH (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 133 ca tử vong (tăng 107 trường hợp). Số ca mắc mới SXH đang có xu hướng giảm trên cả nước.
Đặc biệt tại Hà Nội, thời tiết lạnh sâu hơn với mức nhiệt không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần ghi nhận 1.165 ca mắc, 2 ca tử vong vì SXH. Số ca mắc giảm 11% so với tuần trước. Dự báo, số mắc SXH sẽ giảm dần trong thời gian tới. CDC Hà Nội nhận định, so với tháng 10 và tháng 11/2022, số ca mắc mới SXH đã giảm nhưng dù vậy vẫn ở mức cao. Do đó người dân không nên chủ quan, vì thời tiết trở lạnh song nhiệt độ chỉ giảm về đêm và sáng sớm, thời tiết vẫn có nắng từ trưa đến chiều, muỗi truyền bệnh vẫn có thể sinh sôi, hoạt động.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, lưu ý về dấu hiệu nhận biết, cảnh báo để người dân hiểu rõ và có biện pháp phòng tránh. Mặc dù hiện nay đã vào thời điểm cuối năm nhưng SXH vẫn tiềm ẩn, vì vậy việc căn cơ nhất vẫn phải kiểm tra, loại trừ được các ổ bọ gậy nguồn tại các ổ dịch và khu vực xung quanh.
Các chuyên gia dịch tễ vẫn tiếp tục lưu ý người dân tuyệt đối không được chủ quan với SXH dù trời lạnh, cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống SXH. Người dân khi có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, đặc biệt có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng của SXH.
Theo Đại đoàn kết