Ngại khám sức khỏe trước khi lập gia đình
Chỉ còn 3 tháng nữa, Nguyễn Văn Bình (TP. Huế) sẽ cưới vợ. Trong danh sách những việc cần làm trước đám cưới của Bình chỉ thấy liệt kê việc chụp hình, chọn áo cưới cho cô dâu, chú rể, lên danh sách mời đám cưới… chứ không hề có việc khám sức khỏe trước hôn nhân. Khi còn là sinh viên, Bình đã tham gia nhiều buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng anh cho rằng mình sống lành mạnh nên không cần khám trước khi kết hôn. Bình tâm sự: “Sắp cưới rồi, đi vào bệnh viện nếu ai nhìn thấy thì ngại lắm. Hơn nữa, tự nhiên rủ người yêu đi khám sức khỏe thì sợ bị nghi ngờ là không tin tưởng nhau. Hơn nữa, mình thường xuyên tập luyện thể thao nên chắc mọi việc sẽ ổn”.
Đoàn viên, thanh niên thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản
Có rất nhiều thanh niên sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân như Bình chưa xem trọng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Họ e ngại hoặc chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe bản thân; mặt khác, thì lo sợ nếu phát hiện bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến việc kết hôn. Vì vậy, số bạn trẻ tự tìm đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe tiền hôn nhân rất ít, trong khi thực tế có không ít trường hợp do thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà suy giảm kinh tế, sức khỏe, tâm lý, hạnh phúc gia đình bị đe dọa...
Theo BS Nguyễn Khoa Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Thừa Thiên Huế: Các cặp đôi nên có kế hoạch khám sức khỏe trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện ra những dấu hiệu bất lợi về sức khỏe nhằm được tư vấn và điều trị kịp thời; tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống vợ chồng sau đám cưới và biết rõ sức khỏe của mình để có kế hoạch sinh con hợp lý. Bên cạnh đó, những người có HIV sẽ được tư vấn áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, nếu muốn sinh con thì các bác sĩ có giải pháp can thiệp để giảm thiểu những hậu quả có thể để lại cho con cái”.
Nâng cao chất lượng dân số
Theo số liệu tổng điều tra, số vị thành niên, thanh niên từ 15 đến 24 tuổi trong tỉnh chiếm trên 20% dân số. Điều đó cho thấy, Thừa Thiên Huế có cơ cấu dân số trẻ, đặc biệt là dân số nhóm tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Từ năm 2003, tỉnh được chọn triển khai thí điểm mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân ở 44 xã, phường, thị trấn và 11 trường PTTH trên địa bàn. Mỗi năm, khám và kiểm tra sức khỏe cho 4.000 -4.500 thanh niên. Qua khám, kiểm tra sức khỏe đã phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh: sỏi thận, sỏi mật, u nang buồng trứng, động kinh, tim mạch…Tất cả các trường hợp bệnh lý đều được tư vấn, điều trị hoặc giới thiệu đến các bệnh viện để khám, điều trị kịp thời.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, khám sức khỏe, các câu lạc bộ đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên, trong đó có nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Nhờ đó, các bạn trẻ đã quan tâm và biết cách tự chăm sóc bản thân, nâng cao kỹ năng sống, ứng phó tốt với những tình huống xảy ra trong giai đoạn bước vào tuổi trưởng thành, xây dựng hôn nhân và gia đình bền vững. Ngoài ra, các câu lạc bộ tổ chức giao lưu với hình thức sân khấu hóa, thu hút sự quan tâm của thanh niên cũng như các bậc phụ huynh.
Ông Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm khoa học để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Các bạn trẻ không chỉ được hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của nhau, mà còn có thể chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Mô hình kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tạo cho các em có những kiến thức và hiểu biết đầy đủ để phòng tránh và tự bảo vệ mình trong cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
An Nhiên