Trao quà đến các bệnh nhi khó khăn ở lại đón tết
Thêm sức khỏe, thêm niềm vui
Những ngày này, chị Trần T. L., mẹ của bé Nguyễn H. B. N. đang điều trị tại Khoa Nhi ung bướu - Huyết học - Ghép tủy (NUBHHGT) cặm cụi nấu miến gà, gà sốt me cho con có thêm không khí tết.
Trong “Nhà hy vọng” (khu vực nấu ăn dành cho bệnh nhi được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí duy trì mấy năm qua), nhiều món ăn được các bậc cha mẹ chăm chút kỹ càng, mong cho con mình có thêm sức khỏe chiến đấu với bệnh tật.
Chị T.L. kể: “Bé nhà mình được ghép tế bào gốc. Cháu chịu đau rất tốt, sau ghép cũng mau phục hồi. Nhà ở tận Đắk Nông, di chuyển khá vất vả nên gia đình quyết định ở lại bệnh viện theo dõi sức khỏe cho con đợt này”.
Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế sơn màu hồng - bảng màu yêu thích của trẻ nhỏ được gia đình các bệnh nhi ví von là “ngôi nhà màu hồng”. Hôm nay, nơi giường bệnh song nhiều cậu bé, cô bé vui hơn vì có thêm quyển sách hay, tấm áo mới được các nhà hảo tâm gửi tặng ngày tết. Bé A.D 2 tuổi chân vẫn còn giữ ống kim ven dẫn truyền hớn hở đòi ba mang tất mới. Cạnh đó, một bé khác năn nỉ ba chọn chiếc váy hồng và đôi tất hồng cho đồng bộ để chụp ảnh.
Chị Phan T.Th. đang bồng con đi phơi nắng trở về bất ngờ khi đón nhận túi đồ tết được mang tới cho con mình.
Cậu bé Trần Đ.P. mười mấy tháng tuổi sau phẫu thuật tim còn bị viêm phổi, suy dinh dưỡng…
Con sốt và yếu, hai vợ chồng chị Th bỏ việc nhà ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chăm con và ăn tết ở bệnh viện. Qua kết nối của điều dưỡng, bé P nhận được nhiều món quà hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần từ các cá nhân, tổ chức gửi đến. Chị Th. rưng rưng đón túi áo quần mới ướm thử cho con xuýt xoa: “Tất mới, sơ mi mới, quần ấm đẹp lắm con ơi. Mau khỏe để diện đồ mới con hí”!
Thử váy mới được các nhà hảo tâm gửi đến
Không chỉ ngày tết, trước đó, nhiều tổ chức cá nhân đã đến thăm, tặng quà nhằm chia sẻ, động viên bệnh nhi cùng người thân. Bệnh viện cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng sân chơi, đón tất niên sớm… Mỗi ngày đều phải chiến đấu với những cơn đau của lấy tủy, truyền thuốc… vì vậy việc mang đến những niềm vui, chia sẻ cũng là liều thuốc tinh thần động viên trẻ cùng gia đình trong thời gian điều trị.
Anh Trần Đ.N, ba bệnh nhi Ch. V. (Đà Nẵng) chia sẻ: “Các đoàn đến thăm, trao quà, tặng sách, nhận những lời hỏi han đầu năm mới mọi người thấy được an ủi phần nào. Bây giờ vui thêm một chút là khỏe thêm một chút”.
Nâng thể trạng, vực tinh thần
Cùng cảnh nên ở Trung tâm Nhi khoa luôn có sự đồng cảm, sẻ chia. Mỗi phòng như một gia đình thấu hiểu, đỡ đần nhau. Một trường hợp cấp cứu, ai nấy đều lắng lo, hồi hộp. “Thương lắm cô ơi. Đau ốm, truyền thuốc là chuyện thường ngày. Nghe tiếng khóc con trẻ như xát muối trong lòng. Cháu nào điều trị tiến triển là mừng cho cháu ấy”, một phụ huynh nói.
Bữa ăn ngày tết của trẻ Khoa NUBHHGT
Tại Khoa NUBHHGT, có 45 bệnh nhi nặng ở lại kèm theo người chăm sóc. Ngoài ra còn có các bệnh nhi ở hồi sức, sơ sinh, nhóm bệnh hiểm nghèo…
Ở ngôi nhà màu hồng, các bác sĩ, điều dưỡng đều nắm rõ hoàn cảnh gia đình bệnh nhi, thậm chí cả khi bệnh nhi ra viện vẫn giữ liên lạc để cập nhật tình hình. Thế nên bao cảnh đời, số phận cứ “thấm” vào từng người. Chỉ cần đọc lên một cái tên, điều dưỡng, y bác sĩ có thể kể rành mạch căn bệnh, lịch sử điều trị. Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị tân tiến, đội ngũ y bác sĩ còn hỗ trợ chăm lo đời sống tinh thần cho bệnh nhi.
Từ 2015 đến nay, Khoa NUBHHGT tích cực kết nối với một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Hàng tháng, nhân viên công ty này đều trích lương hỗ trợ thường xuyên 30 bệnh nhi khó khăn với mức 1-2 triệu đồng/ tháng, tiền chuyển thẳng vào tài khoản bố mẹ trẻ. Ngoài ra, khoa còn làm cầu nối với các cá nhân, tổ chức hỗ trợ đóng viện phí, phí phẫu thuật cho một số trường hợp khác.
Điều dưỡng kiểm tra sức khỏe một bệnh nhi
Theo Th.S BS Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng khoa Nhi ung bướu - Huyết học - Ghép tủy, ngày tết, ngoài bác sĩ trực, các kíp bác sĩ trẻ thường xuyên được tăng cường. Bệnh nhân ở khoa thường điều trị hóa chất nên mỗi ngày có hai điều dưỡng trực chăm sóc, theo dõi các cháu. “Nhìn cảnh trẻ đón tết xa nhà thương lắm nên mọi người đều tìm cách động viên, chia sẻ giúp trẻ lạc quan vui vẻ. Điều này cũng quan trọng không kém bên cạnh quá trình điều trị”, BS Hoa nhấn mạnh.
Th.S, BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BVTW Huế cho hay, với đặc thù nhi khoa, trẻ được chăm sóc, theo dõi đặc biệt. Ngoài lực lượng bác sĩ trực còn có các kíp điều dưỡng thăm khám thường xuyên. Bệnh viện còn tổ chức các bữa ăn dinh dưỡng theo chế độ ngày tết và triển khai nhiều hoạt động động viên bệnh nhân và người nhà ở lại yên tâm điều trị.
Những đứa trẻ được ra viện, khỏe mạnh lớn lên là mơ ước của bao ông bố bà mẹ. Điều này thấy rõ trong từng ánh mắt, từng câu nói của bệnh nhi ở ngôi nhà màu hồng. Rất nhiều em nhỏ ở đây đều chọn nghề bác sĩ khi lớn lên. Bởi đơn giản, trong mắt các em, những cô y tá, chú bác sĩ chính là người giúp các em khỏi bệnh và viết tiếp ước mơ trong những ngày ở trên giường bệnh.
Bài, ảnh: LINH TUỆ