ClockChủ Nhật, 30/08/2020 07:36

Theo dấu chân các F…

TTH - Đua với từng khắc của thời gian, những chén cơm và vội, nhiều bữa còn chẳng kịp ăn và cả những giấc ngủ chắp nối, chập chờn… Đó chỉ là những nhọc nhằn có thể nhìn thấy được mà những người làm nhiệm vụ truy vết COVID-19 phải trải qua.

Thêm một bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Huế khỏi bệnhXây dựng thương hiệu CDC Thừa Thiên Huế xứng tầm trung tâm y tế chuyên sâu

Lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19

“Thức cả đêm vì nó”

Thời gian nhích gần đến số 23 giờ, zalo báo có tin nhắn - là tin phản hồi của bác sĩ Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. Dường như, đến giờ đó, ông mới rảnh để hồi âm những tin nhắn không vội mà ông đã bỏ qua trong ngày. Và cũng có vẻ như, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 trở lại bên láng giềng Đà Nẵng, những cán bộ y tế như ông đã không nghĩ nhiều đến khái niệm ngày và đêm. Hôm đó là một trong nhiều đêm, các lực lượng của CDC Thừa Thiên Huế “chuyển ngày” khi đang làm nhiệm vụ. Cả đơn vị dồn quân truy vết theo Ngô T. N – trường hợp F1 có liên quan đến bệnh nhân COVID-19 số 791.

F1 là những trường hợp nhiễm COVID-19 tiềm tàng. Do vậy, ngay khi ca bệnh F0 được xác định, truy vết thần tốc F1 chính là yếu tố then chốt để cắt đứt đường lây truyền của dịch bệnh COVID-19. Ngô T. N là F1 khi vô tình đi cùng xe khách từ Hà Nội về Quảng Bình với bệnh nhân COVID-19 trong ngày 5/8. Trong khi những F1 liên quan khác đã hợp tác, cách ly theo quy định, thì Ngô T. N lại trốn tránh các cơ quan chức năng, khiến nhiều địa phương nhọc nhằn truy vết, trong đó có lực lượng của Thừa Thiên Huế.

Chuẩn bị kỹ bảo hộ để lấy mẫu xét nghiệm PCR

“Như phim kiếm hiệp rứa. Huế mới báo Công an Quảng Trị và Quảng Bình phối hợp truy vết. Còn ở Huế, bất cứ nơi nào có thông tin F1 ni đi qua, CDC đều rà quét, lấy mẫu xét nghiệm”, BS. Hoàng Văn Đức nói. Hỏi anh: “Cuộc rà quét đã sắp xong?”, anh trả lời: “Nếu thuận lợi thì khoảng 2-3 giờ sáng sẽ xong, không thì phải thức cả đêm vì nó. Chừ chưa nói được. Các đội phản ứng nhanh đang tung quân”.

Điều mừng nhất với Thừa Thiên Huế là từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7 đến nay, địa phương không có trường hợp F0. Thành quả đó có được từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng cốt lõi là Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh ngay từ đầu đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để kiểm soát người đến/về từ vùng dịch và vùng có nguy cơ cao.

Sợ nhất là “đứt” vết

“Truy vết sợ nhất là mất vết, chỉ cần chậm một chút là mất. Vậy nên dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào, anh em cũng phải phản ứng cực nhanh với các manh mối thông tin. Tiếp cận được F1 rồi, lại phải thuyết phục đối tượng để khai thác thông tin dịch tễ càng cụ thể càng tốt. Nếu chỉ F1 thì rất đơn giản, nhưng mỗi F1 lại liên quan đến rất nhiều F2. Trong trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2, thành F0 thì tất cả F2 ấy trở thành F1, cho nên mình phải truy vết để kiểm soát cho bằng hết”, BS. Hoàng Văn Đức chia sẻ thêm.

Ở CDC Thừa Thiên Huế, ông Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm là người được giao nhiệm vụ điều hành các đội phản ứng nhanh. Ông là người chuyên phân tích những thông tin dịch tễ để đưa ra mệnh lệnh kịp thời nhất cho lực lượng phản ứng nhanh. Tuy điều tra thông tin dịch tễ đã là công việc hằng ngày của lực lượng kiểm soát bệnh tật, nhưng mỗi ngày, anh em đều phải căng mình trong trạng thái lên đường bất cứ khi nào có dấu vết nguồn tin.

“Chỉ cần có những manh mối đầu tiên là đã tung quân đi lùng rồi. Sau đó, thông tin phát sinh như thế nào thì lại tiếp tục lần theo dấu vết các F. Tất cả những gì nắm được trong ngày đều phải đi hết trong ngày và đảm bảo không có thông tin nào bị bỏ sót. Tuyệt đối không chần chừ, chờ đợi vì bất cứ lý do gì”, ông Lê Văn Sanh nhấn mạnh.

Khi nắm bắt thông tin có ca bệnh COVID-19 liên quan đến địa phương, CDC Thừa Thiên Huế kết nối sự hỗ trợ từ nhiều kênh để thần tốc truy vết với kết quả nhanh nhất có thể. So với hồi tháng 3, việc truy vết các thế hệ F liên quan đến COVID-19 thời gian này có phần thuận lợi hơn, vì không có yếu tố nước ngoài và không phụ thuộc vào người phiên dịch. Tuy nhiên, nỗi vất vả lại tăng thêm khi nhiều người không chủ động hợp tác cung cấp thông tin về những người đã có tiếp xúc. Điều đó khiến việc truy vết khó khăn và mất nhiều thời gian để phải khép kín càng chặt càng tốt lịch trình trong khung thời gian của đối tượng.

Khi được gợi hỏi về nỗi vất vả của những ngày cao điểm truy vết các F, ông Lê Văn Sanh chỉ nhẹ nhàng: Cả hệ thống chính trị đều vất vả, riêng gì chúng tôi đâu. Chỉ là yêu cầu công việc đặc thù nên cứ có thông tin là anh em phải đi. Đi liên tục, không kể giờ giấc, ngày đêm, ngày làm việc hay cuối tuần, với mục đích duy nhất là phải kiểm soát được các yếu tố dịch tễ và cắt đứt những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Căng sức truy tận cùng dấu vết các F là vậy, sự nỗ lực âm thầm cũng không thể đong đếm là vậy, nhưng niềm mong những người làm nhiệm vụ truy vết lại rất giản dị. “Mong cộng đồng chia sẻ nhiều hơn và đừng góp phần lan truyền những tin thất thiệt. Để dịch bệnh qua mau, anh em không ai than vãn, sợ khổ. Nhưng sợ nhất là những nguồn tin thất thiệt. Nhiều khi, từ thông tin đó anh em phải chạy hụt hơi để truy vết, xác minh, nhưng cuối cùng chỉ là tin giả”, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm ngậm ngùi.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đang phối hợp theo dõi một ca bệnh sốt rét ngoại lai tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Các y bác sĩ tiếp tục điều trị do bệnh nhân đang mang thai 19 tuần tuổi.

Phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

Ngày 23/2, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2023; triển khai kế hoạch năm 2024 và thúc đẩy loại trừ sốt rét ở Việt Nam”. Đầu cầu Thừa Thiên Huế có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT Phong Điền, Nam Đông, A Lưới.

Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030
Return to top