ClockThứ Năm, 19/08/2021 06:45

Áp lực rất lớn khi vaccine chưa đáp ứng so với nhu cầu

TTH - Đối với COVID-19, cách phòng bệnh chủ động lý tưởng nhất là tiêm vaccine. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế: “Với lượng vaccine mà Thừa Thiên Huế được phân bổ đến thời điểm này quá ít so với nhu cầu thực tế, nên ngành y tế gặp áp lực rất lớn khi triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên và người dân trên địa bàn tỉnh”.

Sáng 12/8, Việt Nam công bố 4.642 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có thêm 762.396 liều vaccine được tiêm

PGS.TS. Trần Kiêm Hảo

Cập nhật số liệu tiêm chủng tại địa phương đến sáng 11/8, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo cho biết: Theo văn bản của Bộ Y tế gửi tỉnh ngày 23/7/2021, dự kiến Thừa Thiên Huế được phân bổ đến hết tháng 7/2021 là 141.550 liều vaccine, nhưng thực tế tổng số vaccine mà chúng tôi đã nhận chỉ 73.390 liều. Từ tháng 8-12/2021, Bộ Y tế đã có kế hoạch dự kiến phân bổ cho Thừa Thiên Huế 1.339.738 liều vaccine phòng COVID-19. Nếu trong năm 2021, Thừa Thiên Huế được nhận đủ tổng 1.481.228 liều vaccine mà Bộ Y tế dự kiến thì chúng ta có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Lượng vaccine có hạn như hiện nay đã khiến ngành y tế gặp áp lực như thế nào?

Đây là một áp lực rất lớn với toàn tỉnh nói chung và ngành y tế nói riêng. Chúng ta đều mong muốn có đủ lượng vaccine cần thiết, đạt tỷ lệ tiêm chủng nhất định để tiến gần hơn với mục tiêu miễn dịch cộng đồng, nhưng thực tế thì không được như vậy. Lượng vaccine mà Thừa Thiên Huế nhận được còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, ngành y tế khuyến cáo, trước mắt khi chưa có đủ vaccine thì mỗi người dân phải thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch và tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã đạt tỷ lệ tiêm chủng như thế nào, thưa ông?

Mục tiêu của tỉnh là đảm bảo các nhóm đối tượng ưu tiên và miễn phí theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ trên địa bàn được tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, tiêm mũi 2 cho tất cả các đối tượng đã tiêm mũi 1 và tiếp tục tiêm mũi 1 cho nhóm đối tượng ưu tiên và miễn phí theo thứ tự. Tính đến ngày 10/8, toàn tỉnh mới tiêm được 59.556 liều vaccine, gồm cả 3 loại: AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Tiêm vaccine cho nhóm đối tượng dịch vụ

Khi Thừa Thiên Huế được phân bổ nhiều loại vaccine khác nhau, nhiều người có nguyện vọng được chọn lựa hoặc kết hợp các mũi vaccine khác loại. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nguyện vọng đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, thông qua các kênh truyền thông người dân dễ dàng đọc được những thông tin về khả năng bảo vệ của các loại vaccine và có sự so sánh. Nhưng xin nói rằng, thời điểm người ta nghiên cứu về hiệu quả của các loại vaccine là khác nhau, các mẫu được chọn để nghiên cứu cũng không đồng nhất. Chính vì vậy, người ta cũng sẽ đưa ra những kết quả nghiên cứu cũng không đồng nhất, nhưng từ đó lại khiến một số người không thuộc chuyên khoa này dựa vào đó để đánh giá hiệu quả bảo vệ của loại này, loại kia. Theo cá nhân tôi, tất cả các loại vaccine phòng dịch COVID-19 hiện tại đều có giá trị rất lớn và đem lại hiệu quả cao trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Nó sẽ giúp người không may nhiễm COVID-19 giảm được mức độ nặng của bệnh và giảm nguy cơ tử vong.

Công tác tiêm chủng được thực hiện theo nguyên tắc như thế nào, thưa ông?

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ cao và tiếp cận công bằng cho người dân, chúng tôi thực hiện thống nhất nguyên tắc và quy định của Bộ Y tế. Cụ thể trong Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế nêu rõ: Những người đã tiêm mũi 1 với loại vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do AstraZeneca sản xuất, nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vaccine Moderna hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.

Nhiều người rất nóng lòng khi đối chiếu mình thuộc các nhóm ưu tiên, nhưng đến nay chưa được tiêm mũi 1 vaccine phòng dịch. Ông có thể giải thích về vấn đề này?

Vâng, tất cả những đối tượng thuộc diện ưu tiên tiêm chủng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế, chúng tôi đều cố gắng triển khai tiêm chủng một cách đầy đủ nhất có thể. Trong đó, ưu tiên người làm việc trong cơ sở y tế, BCĐ phòng, chống dịch các cấp, tổ phòng chống dịch cộng đồng, các đối tượng truy vết, công an, quân đội… Nhưng do nguồn vaccine có hạn, nên ngay cả những đối tượng thuộc các nhóm ưu tiên cũng chưa đủ vắc xin để tiêm cho họ. Trong số vaccine có được, chúng tôi phải dành một số lượng đáng kể để cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian tiêm mũi 2, nên chưa mở rộng được nhiều nhóm đối tượng.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine  phòng COVID-19 xác định các nhóm đối tượng ưu tiên và miễn phí theo thứ tự: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinh

Khi hỏi về những áp lực mà bản thân đang đối mặt, rất nhiều học sinh có chung câu trả lời là áp lực về các thành tích trong học tập. Em Đinh Vũ Kiều Anh học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) giãi bày: “Học sinh chúng em đang chịu áp lực về điểm số học tập hoàn hảo”. Đoàn Phan Thục Hiền ở Trường THCS Phú Mậu thì cho rằng, chính những yêu cầu cao của thầy cô cho từng môn học trên lớp, những kỳ vọng của bố mẹ vào con cái tạo nên áp lực cho chúng em.

Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinh
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Dịch COVID-19 gia tăng ở Đông Nam Á:
Chuyên gia nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân

Những ngày vừa qua, chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng đã khiến các nhà chức trách ở Đông Nam Á tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, như lắp đặt máy quét thân nhiệt tại các điểm nhập cảnh quốc tế và kêu gọi công chúng đeo khẩu trang.

Chuyên gia nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân
Return to top