TS. Phan Hải Thanh (giữa) trực tiếp phẫu thuật nội soi ca bệnh khó
“Trái tim nóng” trên bàn mổ
TS. Phan Hải Thanh theo nghề y là duyên định. Thời trung học phổ thông (THPT), anh học giỏi đều các môn. Năm 1990, anh thi đỗ vào Trường đại học Y khoa Huế với số điểm rất cao.
Những ngày tháng chập chững vào nghề, chứng kiến những cơn đau hành hạ bệnh nhân, thậm chí có người chết vì không có cơ hội phẫu thuật khiến anh trăn trở nhiều. Mong muốn trở thành bác sĩ ngoại khoa ngày càng lớn, càng thôi thúc anh đi sâu nghiên cứu, học tập. Năm 1996, anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa rồi thi đỗ theo học bác sĩ nội trú cho đến năm 2000, chuyên ngành ngoại khoa. Chuyên môn vững, ngoại ngữ lưu loát, anh được chọn đi tu nghiệp bác sĩ nội trú tại Bỉ (2001-2002), Pháp (2004-2005). Sau đó, anh tham gia nhiều khóa tập huấn về ngoại khoa ngắn, dài hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Bỉ…
Hiện, TS. Phan Hải Thanh thuộc vào “hàng hiếm” ở Huế về lĩnh vực ngoại khoa. Bệnh nhân nặng, thập tử nhất sinh lúc nào cũng thường trực ở Khoa Ngoại Nhi- Cấp cứu bụng, với 3-4 trường hợp/ngày và phần lớn do anh đảm nhiệm phẫu thuật.
Anh được đồng nghiệp ví là người có “trái tim nóng và cái đầu lạnh” khi vào kíp mổ. Hơn 20 năm trong nghề, khi nhận lịch mổ, anh thường đến sớm ân cần, hỏi han vui vẻ tạo tâm lý gần gũi, tin cậy cho người bệnh và người nhà. Vào mổ, anh toàn tâm toàn ý, chuẩn xác từng mi-li-mét trên từng đường dao, tinh thần tập trung cao độ dù nhiều ca phẫu thuật kéo dài 5-7 tiếng đồng hồ, có khi hơn thế.
Hỏi những ca bệnh nào trong đời làm nghề khiến anh nhớ và ấn tượng nhất, TS. Thanh cười: “Nhiều lắm”. Mới đây thôi, bệnh nhân H. được chuyển trực tiếp từ thuyền khai thác cát sạn đến Khoa Cấp cứu, BV Trung ương Huế do bị máy cuốn, lộ ổ bụng, vỡ gan, lách, dập phổi, gãy sườn hông. Nhận tin, TS. Thanh nhanh chóng cùng kíp gây mê hồi sức, kíp mổ Ngoại lồng ngực truyền 8 đơn vị máu tiến hành phẫu thuật khâu gan, khâu tim, tỉ mẩn lắp ghép tái tạo lồng ngực chỉ với suy nghĩ còn nước còn tát. Sau hơn 5 giờ đồng hồ, ca mổ thành công, niềm vui vỡ òa. Suốt hôm ấy, điện thoại anh reo liên tục, giám đốc BV kịp thời có mặt chúc mừng. Mới đây là một thầy giáo ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị phình động mạch chủ chậu. Bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Huế rơi vào tình trạng hôn mê vì máu vỡ tràn vào ruột non, ngất lịm. Đây là một ca bệnh chưa từng xảy ra trong y học, tỷ lệ chết mười mươi, thế mà sau hội chẩn, tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, ca mổ đã thành công ngoài mong đợi.
TS. Phan Hải Thanh nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2015
Trăn trở với khối u “made in Việt Nam”
TS. Phan Hải Thanh chia sẻ, hàng ngày anh phải chứng kiến, điều trị rất nhiều ca bệnh hiểm nghèo u phổi, gan, mật, dạ dày, đại trực tràng..; trong đó có những khối u lớn di căn trong cơ thể. Trước những ca bệnh như vậy, anh nhớ đến câu nói “cười ra nước mắt”, rằng đây là những khối u “made in Vietnam” mà các bạn đồng nghiệp nước ngoài từng ví von trong các hội nghị, hội thảo y khoa. Đây là điều khiến anh trăn trở để nghiên cứu, cập nhật những tiến bộ y học mới của thế giới để trị những ca bệnh khó.
Sau năm 2000, TS. Thanh phối hợp với PGS. Phạm Như Hiệp (nay là Giám đốc BV Trung ương Huế) cùng các cộng sự nghiên cứu ứng dụng phát triển với kỹ thuật phẫu thuật nội soi 2 trô ca, nội soi lỗ nhỏ, nội soi 1 cổng điều trị thủng, vét hạch ung thư dạ dày tá tràng, kết hợp điều trị xạ trị đã mang lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân. Những kỹ thuật nói trên nằm trong công trình nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày mà anh và các cộng sự đạt giải thưởng “Nhân tài Đất Việt năm 2015”, Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ năm 2016 (Giải thưởng 5 năm tổ chức một lần).
Nhiều đồng nghiệp thừa nhận, anh là một người say mê trong lĩnh vực phẫu thuật ung thư tiêu hóa, đặc biệt ung thư dạ dày, đại trực tràng. Mới đây, anh và các cộng sự triển khai kỹ thuật nội soi 3D qua các đường tự nhiên để phẫu thuật các bệnh lý gan mật tụy, dạ dày, trực tràng… Kỹ thuật lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam rút ngắn thời gian mổ còn bằng 70-80% so với phẫu thuật nội soi truyền thống, giảm chi phí điều trị, kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.
TS. Thanh nói: “Ung thư tiêu hóa bây giờ không đáng sợ. Chỉ sợ bệnh nhân phát hiện quá muộn”. Nghe anh nói, tôi chợt nhớ chuyến công tác đến huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vào tháng trước, tình cờ gặp ông Lê Văn Đ., quê ở Phú Vang bị ung thư dạ dày hơn 5 năm hiện vẫn khỏe mạnh. Khi dò hỏi, ông Đ. bảo đã đi nhiều nơi, bác sĩ bảo “tranh thủ về nhà mà hưởng thụ những ngày cuối”. Không ngờ ra BV Trung ương Huế điều trị, giờ vẫn còn sống đến hôm nay. Ông Đ. nói: “Dạ dày tôi đã gởi lại BV Trung ương Huế 2/3 rồi. Ân nhân của tôi chính là bác sĩ Hải Thanh. Giờ tôi vẫn còn lưu số điện thoại của bác ấy”.
Từ năm 2014, TS. Phan Hải Thanh còn kiêm Trưởng phòng Quản lý Chất lượng BV Trung ương Huế. Như lời anh, làm “chất lượng BV” là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm. Nhưng lãnh đạo giao, anh phải thẩm định, rà soát 83 tiêu chí của Bộ Y tế áp dụng vào đơn vị. Quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, song anh lấy lợi ích tập thể lên hàng đầu. Từ năm 2013, BV chỉ đạt 3,2/5 nhưng đến nay tăng lên 4,03/5 điểm. BV Trung ương Huế bây giờ xanh -sạch - đẹp hơn, bệnh nhân hài lòng hơn khi đến khám điều trị…
Tiến sĩ Phan Hải Thanh sinh năm 1972, bảo vệ tiến sĩ năm 2011. Hiện nay, anh là Hội viên Hội Ngoại khoa Việt Nam; phẫu thuật viên chuyên ngành ngoại, tiêu hóa, gan, mật; Giảng viên kiêm nhiệm lâm sàng tại Trường đại học Y dược Huế; Giảng viên đào tạo phẫu thuật nội soi nâng cao cho các bác sĩ đến từ các nước Đông Nam Á đến nghiên cứu thực hành tại BV Trung ương Huế; thành viên quản lý chất lượng của Bộ Y tế tham gia góp ý, soạn thảo và huấn luyện QLCL cho các BV trên toàn quốc.
Bài, ảnh: Minh Văn