Người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT
Người bệnh đổ lên tuyến trên
Thừa Thiên Huế là địa phương thường bị bội chi quỹ BHYT. Cụ thể, năm 2015 vượt quỹ 12,4%; năm 2016 vượt quỹ gần 54%; năm 2017 vượt quỹ gần 44%. Từ năm 2018 đến nay, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi khám, chữa bệnh (KCB) cho các địa phương, Thừa Thiên Huế là địa phương thường vượt dự toán giao.
Không có nguồn quỹ dồi dào, người dân vẫn được hưởng nhiều dịch vụ kỹ thuật hiện đại. Thừa Thiên Huế có Bệnh viện Trung ương Huế và bệnh viện hạng I kéo theo sự gia tăng chi phí KCB. Ngay tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được chuyển giao kỹ thuật nên người có thẻ BHYT dễ dàng tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Lợi thế tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục khiến rất nhiều người dân không cùng chi trả mỗi khi nằm viện có chi phí vượt quá 6 tháng lương cơ sở. Thế nên, nhiều bệnh nhân điều trị dài ngày được BHXH thanh toán lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, khiến chi phí KCB tăng cao.
Từ khi có cơ chế thông tuyến BHYT nên người bệnh có quyền chọn lựa cơ sở KCB. Người dân có tâm lý lựa chọn KCB ở tuyến trên nhiều hơn, nhất là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế hay các bệnh viện của các bộ, ngành đóng trên địa bàn. Không chỉ người bệnh ở trong tỉnh mà bệnh nhân ngoại tỉnh cũng “chọn mặt gửi vàng” đến Huế chữa bệnh. Thế nên, Thừa Thiên Huế là địa phương có chi phí KCB bình quân/thẻ/năm rất cao, trong khi đó mức thu BHYT bình quân/thẻ tương đối thấp, dẫn đến tình trạng vượt quỹ KCB BHYT.
Thêm một nguyên nhân vượt quỹ do cơ chế tự chủ nên một số cơ sở KCB chưa tiết kiệm, có nhiều biện pháp tăng thu, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là tần suất vào điều trị nội trú cao, số ngày điều trị bình quân kéo dài. Đồng thời, giá dịch vụ y tế tăng nhanh và đang ở mức cao do giá tính đúng, tính đủ bao gồm cả lương, phụ cấp của cán bộ y tế và tăng hằng năm theo lộ trình tăng lương cơ sở.
Tăng cường kiểm soát
Vấn đề vượt quỹ có thể kiểm soát được nếu có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa 2 ngành BHXH và y tế, cũng như giữa các cơ sở KCB trong tỉnh. Những con số cho thấy, đã có những chuyển biến tích cực: Năm 2018 vượt dự toán 4,3%; năm 2019 vượt 13,5%; năm 2020 vượt dự toán gần 1%. Đã có sự phối hợp quyết liệt khi tăng cường kiểm tra việc sử dụng thẻ BHYT của người bệnh cũng như giám định điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chi trả BHYT. Gắt gao hơn khi các cơ sở KCB ở các tuyến chủ động kiểm tra việc khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí đối với người bệnh có thẻ BHYT; trong đó, kiểm tra các bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của người bệnh, bảo đảm tính chính xác; kiểm tra và bàn giao cho cơ quan BHXH số lượng thẻ BHYT do người bệnh bỏ lại, thẻ của người bệnh đã tử vong, thẻ không có người nhận. Các bệnh viện công khai bảng giá dịch vụ y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi thanh toán cũng như kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh liên quan đến giá dịch vụ y tế.
Tiết kiệm trong KCB không phải là cắt giảm quyền lợi mà là sử dụng đúng, đủ cho những bệnh nhân thực sự cần sử dụng các dịch vụ y tế. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm như: thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật không có trong danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thanh toán sai giá dịch vụ kỹ thuật, thanh quyết toán thuốc, vật tư y tế không đúng quy định, chỉ định rộng rãi, thường xuyên nhiều DVKT không thật sự cần thiết cho bệnh nhân. Thế nên, trong quá trình thanh kiểm tra đã phát hiện những chi phí bất hợp lý. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2020, từ chối thanh toán ước tính 167,2 tỷ đồng. Chính điều này phản ảnh thực tế đội ngũ giám định viên khá mỏng, khối lượng công việc lớn, ngày càng phức tạp, một số cơ sở KCB đề nghị thanh toán còn nhiều sai sót nên xảy ra tình trạng quá tải trong công tác giám định BHYT. Mặt khác, do giám định BHYT chưa quyết liệt, chủ động; chưa đột phá trong phương pháp giám định, chưa tăng cường bám sát cơ sở.
Cân đối quỹ BHYT là câu chuyện cũ, nhưng luôn nóng. Mức đóng BHYT không tăng, nên nguồn dự phòng để cân đối quỹ sẽ “cầm hơi” nếu không kiểm soát được tình trạng sử dụng quỹ BHYT. Tuy nhiên, chỉ dừng ở mở rộng đối tượng thì chính sách BHYT khó bền vững mà cần cân đối quỹ, phát triển quỹ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân cũng như nâng cao chất lượng KCB tại y tế cơ sở nhằm giảm tần suất chuyển viện lên tuyến trên.
Bài, ảnh: Huế Thu