Nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi để can thiệp hiệu quả, góp phần kiểm soát, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018 có chủ đề “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”.
Tiểu phẩm truyền thông mất cân bằng giới tính do Đội tuyên truyền dân số lưu động TP. Huế thực hiện
Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104-106 bé trai. Trước đây, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, khoảng từ năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh và con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 là 112,2 bé trai. Tại Thừa Thiên Huế, có thời điểm tỷ số giới tính khi sinh tăng ở mức cao so với mức bình quân của cả nước. Nếu không có những can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu từ 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ.
Nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn sâu xa từ việc các gia đình mong muốn sinh con trai. Bên cạnh đó, các quan niệm xã hội và tôn giáo đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội... Ngoài ra, theo phong tục truyền thống ở nhiều địa phương, chỉ có con trai được kế thừa tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng... Những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Cùng với đó là sự lạm dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp khả năng nhận biết giới tính sớm của thai nhi trong điều kiện khả năng phá thai dễ dàng, chi phí không cao.
Truyền thông KHHGĐ cho nam nông dân
Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta gặp nhiều khó khăn. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới trong xã hội. Mất cân bằng giới tính khi sinh có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, mất cân bằng giới tính sẽ gây ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như: gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, gây bất bình đẳng giới, ly hôn, bất ổn xã hội...
Đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường là một việc không dễ và không thể đạt được trong một sớm, một chiều. Biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi tư duy người dân. Đó thực sự là vấn đề không riêng của ngành y tế mà cần sự chia sẻ, vào cuộc của cả cộng đồng xã hội mà hơn hết là sự thay đổi nhận thức của người dân.
Bài, ảnh: Đức Hy