Nhiều người dùng than, củi để sưởi ấm do ảnh hưởng của giá rét trong những ngày qua
Các đợt mưa lạnh dồn dập liên tục, tuy nhiệt độ không giảm sâu như các tỉnh phía Bắc nhưng có thể cảm nhận được cái rét buốt tại Huế những ngày gần đây. Bên cạnh sử dụng một số thiết bị sưởi ấm bằng điện, nhiều gia đình sưởi bằng cách đốt củi hoặc than. Cách làm này tuy làm không khí và cơ thể ấm lên, nhưng ngược lại rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong, cháy nhà.
So với hai đợt lạnh trước, đợt lạnh thứ này kéo dài từ ngày 10/1 đến nay nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Trước tình cảnh đó, gia đình anh N.V. H (phường Kim Long, TP. Huế) quyết định đốt củi gỗ để sưởi ấm cho các thành viên trong nhà. Bên bếp lửa, mọi người quây quần cùng nhau hơ tay. Thi thoảng có tiếng ho của một ai đó do ảnh hưởng của khói lửa xộc thẳng vào mũi.
Anh H. cho biết, có nghe thông tin một số trường hợp ngộ độc, thậm chí tử vong do ảnh hưởng cách sưởi ấm không đúng cách, vì thế anh dặn dò mọi người thận trọng. Trước đó, những năm thời tiết lạnh gia đình anh H. cũng sưởi ấm bằng than củi đưa vào các phòng kín mà không hề cảnh giác. “Bếp củi của nhà đốt trong một cái thau nhôm to và đặt ở gần bếp chủ yếu để sở ấm tay và giữ nhiệt cho cơ thể”, anh H. nói.
Không riêng gì gia đình anh H., những ngày này không khó để thấy cảnh những gia đình ở Huế đốt bếp lửa bằng củi hoặc than để sưởi ấm. Bên cạnh một số gia đình tỏ ra cảnh giác, thận trọng thì vẫn có nhiều người chủ quan đưa bếp sưởi vào các phòng kín, dưới gầm giường, những chỗ dễ bắt lửa… vô cùng nguy hiểm. Thậm chí có người còn để qua đêm, phòng có người già và trẻ em.
Những ngày lạnh giá này, chị P. Q. H (32 tuổi, phường Phú Hậu) vẫn không khỏi ám ảnh khi nhắc về cách sưởi ấm bằng củi, than. Cách đây 3 năm về trước, chị đốt lò than và đưa vào phòng, đóng kín cửa để sưởi ấm cho mình và hai con trước khi ngủ. Trong chốc lát, cả ba mẹ con chìm vào giấc ngủ và bất tỉnh khi nào không hay do ngộ độc khói. “Rất may khi đó có người vào nhà, phát hiện và đưa mọi người đi bệnh viện cấp cứu kịp thời”, chị H. nhớ lại và kể, cả ba mẹ con bị tổn thương phổi, phải điều trị mất một thời gian dài.
Hầu hết các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân nhiễm độc do sưởi ấm đa số là các sản phụ, trẻ nhỏ và người già. Tất cả đều trong tình trạng khó thở, tức ngực, rối loạn ý thức… Khi làm xét nghiệm, họ đều có kết quả nhiễm độc có CO.
Th.S – Bác sĩ Trần Bá Thanh, Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường – Y tế trường học (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay, tuyệt đối không được đốt than trong nhà và ở trong phòng bịt kín. Khi đốt lửa sưởi ấm cần mở cửa phòng để có không khí trao đổi, nếu không, khả năng ngộ độc CO rất cao.
CO là chất khí không gây kích thích và không gây tổn thương niêm mạc vì CO là một chất khí, không màu, không mùi, không vị do đó ít bị phát hiện. Người bị ngộ độc sẽ bị suy hô hấp mạnh, nhanh nhất có thể gây tử vong vì CO kết hợp Hemoglobin tạo thành Methemoglobin, vô hiệu hoá khả năng vận chuyển O2 của hồng cầu. Ngoài ra, những ai tiếp xúc với bụi thì tỉ lệ viêm phế quản mạn tính lên tới 10-15%, đối với các hơi khí độc, tỉ lệ bệnh này là 15-35%....
Thay vì sưởi bằng than, củi truyền thống, người dân nên sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện như quạt điện, chăn điện, máy sưởi, điều hòa nóng… “Tuy nhiên, ưu tiên vẫn là mặc đủ ấm, ở trong nhà kín gió không nên ra ngoài khi nhiệt độ đang xuống thấp. Đối với người lớn phải ra ngoài đi làm, nên trang bị cho mình áo, mũ, tất tay, tất chân để bảo vệ sức khỏe”, bác sĩ Thanh lưu ý.
Nhiệt độ tiếp tục giảm sâu
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, đêm qua nhiệt độ trên địa bàn tỉnh giảm 1-2 độ so với hôm trước. Cụ thể, Huế và Nam Đông còn 11,5 độ, trong khi đó A Lưới 9,1 độ. Mưa 2-10mm, riêng khu vực Nam đông 20-30mm, cảm giác rét buốt.
Dự báo ngày mai - 13/1 trời sẽ bắt đầu ấm dần nhưng vẫn còn lạnh và chỉ được vài ngày. Tuy nhiên, đến ngày 17/1 sẽ có không khí lạnh về tiếp nhưng hy vọng mức độ nhẹ. Cũng theo đơn vị này, đợt lạnh những ngày qua vẫn chưa bằng đợt lạnh đo được vào năm 1999 (Huế 8,8 độ), 1974 (Nam Đông 5,8 độ, A Lưới 3,8 độ).
|
Bài, ảnh: NHẬT MINH