|
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe và dặn dò chế độ dinh dưỡng cho BN Lê Huỳnh K.C. Ảnh: T. HIỂN |
BN là Lê Huỳnh K.C. (15 tuổi, ở Hương Sơ, TP. Huế) nhập viện với các triệu chứng đau bụng đột ngột, nôn ói, sau đó rơi vào hôn mê, co giật. Chị Huỳnh T. Ph. - mẹ của K.C. kể: “Ban đầu, cháu đau bụng lâm râm, đi khám thì bác sĩ bảo viêm ruột nên cho về nhà uống thuốc, theo dõi thêm. Tối đó, sau khi ăn cháo 30 phút, cháu bị nôn; khuya cùng ngày, con mệt và ngất xỉu nên gia đình gọi xe cấp cứu đưa ngay đến BV lúc 3 giờ sáng”.
Qua thăm khám, Khoa Hồi sức tích cực Nhi, Trung tâm Nhi xác định đây là trường hợp sốc nhiễm khuẩn khả năng do bị viêm tụy hoại tử nên điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, hồi sức dịch. Bên cạnh đó, BV tổ chức hội chẩn khẩn toàn viện dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc cùng các chuyên khoa Huyết học lâm sàng, Ngoại Nhi, Tiêu hóa, nhằm đưa ra phác đồ điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ca bệnh có tình trạng thiếu máu tụt Hb liên tục, rối loạn đông máu nội ngoại sinh.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu cầm máu, loại bỏ tụy bị hoại tử nặng, khâu tĩnh mạch lách bị thủng gây xuất huyết ồ ạt ổ bụng do biến chứng của viêm tụy hoại tử. BN được truyền gần 3 lít máu từ khi vào viện đến khi phẫu thuật; tiếp tục truyền máu trong quá trình phẫu thuật. Sau phẫu thuật, tình trạng sốc nhiễm khuẩn tổn thương đa tạng do viêm tụy hoại tử của K.C. vẫn còn nên BN tiếp tục được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi với thở máy, lọc máu liên tục, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao, phối hợp nhiều kháng sinh phổ rộng.
|
Mẹ con chị Huỳnh T. Ph. cùng ê kíp điều trị ngày xuất viện. Ảnh: T. HIỂN |
Theo các bác sĩ Trung tâm Nhi, quá trình điều trị cho Lê Huỳnh K.C. gặp không ít khó khăn, phải hội chẩn đa chuyên khoa nhiều lần bởi BN biểu hiện sốc nhiễm trùng, tổn thương thận có tiến triển, đa niệu, tăng huyết áp nặng, rối loạn điện giải, tổn thương gan, phổi tiến triển nặng…
Qua một tuần điều trị tích cực, BN hết sốt, các tổn thương phổi, gan cải thiện, các chỉ số xét nghiệm về nhiễm trùng, chức năng các cơ quan, nước tiểu trở về bình thường. Sau hơn 1 tháng, BN đã được xuất viện và hẹn tái khám theo lịch. Việc cứu sống BN K.C. cho thấy sự chẩn đoán chính xác, việc phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa chuyên sâu ở bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt phát huy hiệu quả trong điều trị các ca bệnh nguy kịch, hiếm gặp. Đây là trường hợp viêm tụy hoại tử biến chứng nặng đầu tiên phải lọc máu liên tục tại Trung tâm Nhi được ghi nhận.
Chia sẻ trong niềm vui và lòng biết ơn, chị Huỳnh T. Ph., mẹ bệnh nhi nói: “Nghe con rơi vào tình trạng nguy kịch, em ngất lên ngất xuống vì vợ chồng em chỉ có mỗi cháu thôi. Gia đình em không biết dùng từ ngữ nào để cảm ơn các y bác sĩ ngày đêm vất vả, chăm sóc tận tình cho K.C. Suốt những ngày cháu nằm thở máy ở Khoa Hồi sức tích cực Nhi, hai vợ chồng chỉ biết cầu mong phép lạ đến với con. May mắn, BVTW Huế có máy móc phương tiện hiện đại; đội ngũ y bác sĩ giỏi theo dõi sát sao nên cháu được cứu sống. Hiện cháu đã ăn được cơm nhão, sức khỏe tốt dần lên”.
Theo y văn thế giới, tỷ lệ trẻ bị viêm tụy cấp khoảng 13,2 ca/100.000 người mỗi năm. Viêm tuỵ hoại tử xuất huyết là trường hợp rất hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
L. GIANG