ClockThứ Hai, 07/08/2017 05:46

Đẩy lùi dịch sốt rét

TTH - Từng là một trong những địa phương có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét cao của cả nước, đến nay Thừa Thiên Huế đã khống chế dịch bệnh này.

Nỗ lực

Theo Trung tâm Phòng chống sốt rét - Ký sinh trùng - côn trùng tỉnh (Trung tâm), 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 6 ca mắc sốt rét, giảm 85,27% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, có 3 trường hợp ngoại lai, không có tử vong.

Phát màn tẩm hóa chất cho người dân vùng cao huyện Nam Đông

Không phải đến thời điểm này mà dịch sốt rét đã giảm sâu. Năm 2009, toàn tỉnh xuất hiện 386 ca, sang năm 2010 còn 162 ca và năm 2016 chỉ còn 54 ca, giảm 18,2% so với năm 2015.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm cho biết, đa số ca bệnh sốt rét chủ yếu xuất hiện ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Nơi đây, từng là nỗi ám ảnh cho người dân về dịch sốt rét vì khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho ký sinh trùng sốt rét phát triển và một số người dân làm ăn ở Lào đưa mầm bệnh về.

Xác định vùng có nguy cơ cao, trung tâm tích cực triển khai các biện pháp phòng chống từ tỉnh đến cơ sở thôn bản. Mạng lưới chuyên trách cơ sở thường xuyên được củng cố, giám sát số lao động di biến động địa phương, điều tra dịch tễ, chỉ số véc tơ muỗi truyền bệnh để kịp thời khống chế; đồng thời lồng ghép đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ăn uống hợp vệ sinh, môi trường sạch sẽ; vận động người dân phải ngủ màn...

Thông qua hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống sốt rét (PCSR) Việt Nam, hàng năm công tác hỗ trợ thuốc, cấp màn tẩm hóa chất cho người dân ở địa bàn các huyện miền núi, như Thượng Long, Thượng Quảng... (Nam Đông); xã Nhâm, Hồng Trung, Hồng Hạ... (A Lưới) thường xuyên. Trung tâm còn phối hợp xây dựng 10 điểm quản lý dịch sốt rét trọng điểm tại xã Lộc Thủy, Lộc Trì (Phú Lộc); Bình Thành, Bình Điền (Hương Trà); A Roàng, A Đớt, Nhâm, Hồng Hạ (A Lưới), Phong Mỹ (Phong Điền), Hương Lộc (Nam Đông); trang bị 75 điểm kính hiển vi ở các trạm y tế 9 huyện, thành phố có lưu hành dịch sốt rét. Nhờ các điểm kính hiển vi, cán bộ chuyên trách phát hiện các trường hợp nguy cơ cao để xét nghiệm máu và test chẩn đoán nhanh, kịp thời phát hiện ca nhiễm ký sinh trùng, điều trị sớm tránh gây ác tính và tử vong do sốt rét. Đáng mừng, từ những địa bàn trọng điểm lưu hành dịch sốt rét như Nam Đông và A Lưới đến nay cơ bản đã khống chế. 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bác sĩ Hoàng Văn Hội nói, thành quả trên là sự quan tâm sâu sát của ngành y tế, các cấp lãnh đạo địa phương; trong đó sự hỗ trợ tích cực từ PCSR Việt Nam về cơ sở vật chất, trang thiết bị, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự chuyển biến  trong dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi còn lưu hành dịch sốt rét.

Bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa, Trưởng trạm Y tế xã A Đớt (A Lưới) chia sẻ, năm 2013 ở địa bàn xuất hiện 3 ca sốt rét nhưng hiện nay cơ bản ổn định. Kết quả này có được là nhờ các chương trình, dự án quốc gia hỗ trợ trang thiết, vật tư, thuốc men, tập huấn tạo điều kiện cán bộ cơ sở tăng cường truyền thông phòng chống dịch sốt rét đến tận thôn, bản, gia đình. Bà con xã A Đớt vốn nghèo, sống nhờ rừng, nương rẫy nhưng đã thay đổi nhận thức trong việc sinh hoạt, ăn ở, giữ gìn môi trường sạch sẽ. Khi lên nương rẫy hoặc vào rừng ngủ qua đêm đều mắc màn. Khi nghe cán bộ y tế  thông báo có đợt xét nghiệm, hầu hết đều tham gia.

Hiện nay, người dân ở vùng có nguy cơ cao trên địa bàn, ngoài thường xuyên được hỗ trợ màn, võng, thuốc phòng chống sốt rét theo chương trình quốc gia và PCSR Việt Nam, trung tâm còn phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn định kỳ cho cán bộ chuyên trách cơ sở, chẩn đoán điều trị sốt rét nhằm duy trì những thành quả đạt được. Với những vùng núi, khu vực biên giới, địa bàn có lao động đi làm ăn ở Tây Nguyên, Lào... nơi dễ xảy ra dịch sốt rét, trung tâm thường xuyên chủ động kiểm tra sự xuất hiện của ký sinh trùng sốt rét, nếu phát hiện kịp thời phòng, chống dứt điểm, không để bùng phát.

 “Hiện nay, chúng tôi lo ngại nhất là địa bàn Nam Đông và A Lưới, nơi lưu hành sốt rét cao từ những năm về trước. Do vậy ngoài tập trung giám sát, hỗ trợ các dịch vụ chẩn đoán, điều trị, trung tâm phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận biết bệnh và chủ động phòng, tránh, khống chế dịch sốt rét hiệu quả”- bác sĩ Hội nói.

Ngoài hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2017, Thừa Thiên Huế được PCSR Việt Nam hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra trong năm là triển khai công tác bảo vệ cho 35.000 người bằng việc phun hóa chất diệt muỗi; trong đó phun tồn lưu cho 5.000 người, tẩm màn ngủ cho 30.000 người; lấy máu xét nghiệm phát hiện bệnh 20.000 người; số lượt điều trị khoảng 6.000 người; hỗ trợ khoảng 1.000 chiếc màn đôi cho đối tượng nghèo...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi bạo lực gia đình

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

Đẩy lùi bạo lực gia đình
Một công nhân bị sốt rét sau khi trở về từ châu Phi

Ngày 9/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thông tin đơn vị đã cử cán bộ phối hợp, làm việc với Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế nhằm điều tra trường hợp một bệnh nhân (BN) bị sốt rét trở về từ châu Phi.

Một công nhân bị sốt rét sau khi trở về từ châu Phi
Phát hiện loại muỗi Tây Phi nguy hiểm gây bệnh sốt rét

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu y tế Kenya (Kemri) và các đối tác thuộc Viện Wellcome Trust Sanger (Vương quốc Anh) đã lần đầu tiên phát hiện một loài muỗi Tây Phi nguy hiểm có khả năng gây bệnh sốt rét.

Phát hiện loại muỗi Tây Phi nguy hiểm gây bệnh sốt rét
Return to top