ClockChủ Nhật, 03/12/2017 09:30

Đẩy mạnh dự phòng lây nhiễm giúp kiểm soát dịch HIV

Nếu không đẩy mạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm, dịch HIV/AIDS có nguy cơ sẽ bùng phát trở lại.

Thực hiện tốt công tác phòng chống HIV/AIDSNhững thầy thuốc tận tâm với bệnh nhân HIVTriển khai nhiều dịch vụ Phòng, chống HIV/AIDSNghiên cứu thành công loại kháng thể diệt 99% virus HIVPhòng chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90-90-90

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm giúp kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nhiều biện pháp hiệu quả

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây nhiễm, thời gian qua, số người mắc HIV mới phát hiện có xu hướng giảm dần.

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới hơn 6.880 người nhiễm HIV, ước tính cả năm 2017 con số này sẽ là khoảng 9.800 người. So với năm 2016, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%.

Hiện nay các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai như: Các biện pháp an toàn trong tiêm chích và quan hệ tình dục; dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone... đã có nhiều kết quả nổi bật. Nhờ đó Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới.

Ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế cho biết): Các hoạt động tiếp cận cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su... thời gian qua đã làm thay đổi nhận thức về tiêm chích, tình dục an toàn, nhất là trong các nhóm có nguy cơ cao như: Gái mại dâm, nghiện chích ma túy, đồng tính...

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng đã được thúc đẩy mạnh trong nhiều năm trở lại đây, với các hoạt động từ truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đến cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhiều địa phương tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 5%, trong khi nếu không được dự phòng thì tỷ lệ này có thể lên tới 36- 40%.

Cũng theo ông Thủy, khoảng 53% phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã được xét nghiệm trong thời kỳ mang thai. Hơn 1.400 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã được điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con. Trong số đó, khoảng hơn 840 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV trước khi có thai. Trong số hơn 800 trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm trong vòng 2 tháng sau sinh, có 15 trẻ có xét nghiệm dương tính với HIV, chiếm tỷ lệ 1,87%.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng góp phần giảm tỷ lệ chuyển sang mắc HIV của nhóm nghiện ma túy. Tính đến hết tháng 9/2017, 63 tỉnh/thành phố đã triển khai điều trị Methadone cho hơn 52.500 bệnh nhân tại 302 cơ sở điều trị. Nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai như cấp phát thuốc tại xã, mở các cơ sở điều trị tại Trung tâm cai nghiện và trong trại giam.

Tiếp tục đầu tư cho dự phòng lây nhiễm

Theo các chuyên gia, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả, nhất là công tác dự phòng lây nhiễm. Nhất là khi hiện nay có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và hiện đang tiếp tục bị cắt giảm; điều trị Methadone mới chỉ đạt được 65,7% chỉ tiêu Chính phủ giao; điều trị ARV mới đáp ứng được 58,1% số người nhiễm HIV được phát hiện...

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Trong các giải pháp tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV, cần tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ từ truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương như: Nghiện ma túy, mại dâm, chuyển giới, người nhiễm HIV và gia đình của họ, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người... đến việc mở rộng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm HIV và điều trị, giám sát dịch...

Cũng theo ông Cảnh, hiện nay Việt Nam đã bắt đầu triển khai biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (hay còn gọi là PrEP), là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Cụ thể, cách điều trị dự phòng này giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV có thể phòng lây nhiễm bằng cách uống 1 viên thuốc kháng vi rút (ARV) chứa tenofovir mỗi ngày. Khi một người có nguy cơ cao phơi nhiễm với HIV qua đường quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua đường uống này có thể bảo vệ họ khỏi bị nhiễm HIV. Trong bối cảnh hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa HIV, phương pháp phòng ngừa bằng thuốc ARV được coi là giải pháp.

Hiện Cục Phòng chống HIV/AIDS đã có kế hoạch triển khai thí điểm cung cấp PrEP trong gói dự phòng HIV kết hợp tại thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: Tư vấn, xét nghiệm HIV thường xuyên, theo dõi lâm sàng, và khuyến khích sử dụng bao cao su và chất bôi trơn.

Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam. Từ đó giúp Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo và hướng dẫn quốc gia đối với can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.

“Việc quan trọng nhất để tránh lây nhiễm HIV cần thực hiện vẫn là các biện pháp an toàn trong tiêm chích và quan hệ tình dục. PrEP không phải là thần dược, nó chỉ là một biện pháp tình thế rất quan trọng và có hiệu lực khi chưa phát minh được vắc xin chống HIV. Với người có nguy cơ cao nhiễm HIV nên tìm hiểu và sử dụng về PrEP để bảo vệ bản thân khỏi HIV”, ông Cảnh cho biết.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non

Ngày 18/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Return to top