Trong khi dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát, số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều ca nặng phải nhập viện. Ảnh: TTXVN
Nguy cơ đã hiện hữu
Hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron với tốc độ lây nhiễm nhanh đã xâm nhập vào Việt Nam, những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 lại có xu hướng tăng lên. Đơn cử như số mắc mới ngày 13/7 đã vọt qua mốc 10.000 ca; các ngày khác cũng xấp xỉ gần 10.000 ca mắc mới; số ca nặng cũng có dấu hiệu tăng lên. Trong khi đó, hiện nhiều người dân có biểu hiện lơ là đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, trong khi khẩu trang vẫn là biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo hiện nay.
Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 có thể gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; trong bối cảnh dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chúng Omicron.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cảnh báo: “Nếu khả năng suy giảm miễn dịch trong cộng đồng, cùng với việc chủ quan, lơ là trong tiêm vaccine và các biện pháp phòng, chống thì sẽ có nguy cơ cao bùng phát trở lại”.
Trong khi dịch COVID-19 vẫn còn “nóng”, hiện dịch sốt xuất huyết theo chu kỳ cũng đang bùng phát trên diện rộng, số ca mắc và tử vong tăng cao; nhiều địa phương đang phải gồng mình chống nhiều dịch bệnh cùng lúc.
Tại TP Hồ Chí Minh, đang là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến hết ngày 5/7/2022, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 23.516 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 11 ca tử vong (số ca tử vong tăng 9 ca so với trung bình giai đoạn 2016-2020).
Dự báo, từ nay đến cuối năm là bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng.
Tại các tỉnh phía Nam dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp. Đơn cử như tại Đồng Tháp, là một trong 8 tỉnh thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao; từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 4.130 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 477% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, có 144 ca nặng và 6 ca tử vong; các ca mắc sốt xuất huyết phân bố ở tất cả địa phương trong tỉnh. Tại An Giang đã ghi nhận 7.055 ca sốt xuất huyết (tăng 459% so với cùng kỳ năm 2021). Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, số ca sốt xuất huyết cũng gia tăng đột biến.
Đặc biệt, theo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh năm nay thuộc type huyết thanh Dengue-1 như năm 2021, nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh Dengue-2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh đã vắng mặt một thời gian trước đó thì số ca mắc mới sẽ có khuynh hướng tăng cao, tương ứng sẽ có số ca nặng tăng, số tử vong tăng.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 11/7, cả nước đã ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết; tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó; đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Bộ Y tế cũng dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng, nguy cơ dịch chồng dịch nếu không quyết liệt phòng chống.
Khắc phục khó khăn bằng mọi biện pháp
Trong bối cảnh dịch chồng dịch đang hiện hữu, tình trạng thiếu nhân lực, thiếu vật tư y tế cũng đang xảy ra ở nhiều địa phương là vấn đề đáng lo ngại. Nếu để các dịch bệnh cùng bùng phát rộng trong một thời điểm sẽ rất khó khăn.
Theo Bộ Y tế, trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết. Tình trạng cán bộ nghỉ việc, bỏ việc cũng đang diễn ra khiến nhiều địa phương gặp khó khăn về thiếu nhân lực.
Trong khi đó, nhiều địa phương cũng báo cáo có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh. Như tại Long An, một số Trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có tình trạng thiếu một số loại thuốc và vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở, gây khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Hay tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện; đặc biệt một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết bị thiếu, đứt nguồn cung đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở y tế, nhất là với địa phương có nhiều bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh.
Trước tình trạng nhiều khó khăn như trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Cụ thể, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về đảm bảo thuốc, vật tư y tế và thanh toán cho phí khám bệnh, chữa bệnh, BHYT; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương. Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, tránh tình trạng tâm lý sợ sai, không dám mua sắm.
Về việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng đã yêu cầu Bộ Y tế cần thần tốc hơn nữa triển khai các chỉ đạo của Chính phủ; nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế; phục vụ khám chữa bệnh.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế, song song với công tác phòng chống dịch COVID-19, cần coi trọng việc phòng chống các dịch bệnh khác; tiếp tục thống kê, đánh giá chính xác, đầy đủ về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc để tiếp tục triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Theo baotintuc.vn