|
Thủy điện Thượng Nhật (Nam Đông) chủ động ứng phó thiên tai trong mọi tình huống |
Không để bị động
Toàn tỉnh có 13 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, với tổng công suất 459,3 MW. Hầu hết các thủy điện đều ở vùng có địa hình phức tạp, nhiều mưa, tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất đá vào mùa mưa lũ.
Mới đây, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra các nhà máy, yêu cầu chủ đầu tư triển khai các giải pháp và khắc phục những tồn tại nhằm đảm bảo vận hành an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Công trình thủy điện Thượng Nhật được xây dựng trên sông Thượng Nhật, là nhánh cấp 1 của sông Tả Trạch thuộc địa bàn xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông. Vùng dự án thủy điện này nằm gần tâm mưa lớn nhất nước ta là Bạch Mã, lượng mưa năm trên 4.000mm. Đồng thời, toàn bộ lưu vực thủy điện và lưu vực sông tính đến trạm Thủy văn Thượng Nhật đều nằm trong vùng mưa từ 3.400 - 3.600mm. Do vậy, hàng năm, công tác ứng phó thiên tai liên quan đến mưa lớn, trượt lở đất, luôn được chủ đầu tư quan tâm triển khai.
Ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) cho biết, hiện mực nước hồ ở mức 108,5m, trên mực nước chết 2,5m, dưới mực nước dâng bình thường là 7,5m. Đầu mùa mưa nên thủy điện đang vận hành phát điện nhằm tăng dung tích phòng lũ.
Trước mùa mưa bão, công ty thường xuyên tiến hành tập huấn và triển khai công tác ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” theo từng tình huống cụ thể. Trong tình huống có lũ, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai công ty thường xuyên quan trắc, theo dõi mực nước thượng, hạ lưu để báo cáo chính quyền địa phương nhằm chủ động thông báo người dân khu vực nguy hiểm, di chuyển đến nơi an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đập trong quá trình lũ qua tràn nhằm phát hiện sớm nguy cơ sự cố đập. Từ đó, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, huy động lực lượng, vật tư ứng cứu, kịp thời xử lý sự cố theo phương án ứng phó thiên tai đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Đồng thời, báo cáo cho UBND tỉnh các sở, ban ngành địa phương, huy động lực lượng, vật tư và phương tiện (ngoài những vật tư đã được công ty chuẩn bị) để phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập, cứu hộ cứu nạn trong tình huống có sự cố xảy ra.
Hiện tại, công tác kiểm tra bằng trực quan tại hiện trường được thực hiện 7 ngày/lần nhằm phân tích, đánh giá các hiện tượng về biến dạng, sạt lở, thấm nước qua thân đập, hiện tượng xuất hiện mạch nước ngầm, phát hiện các hành vi xâm hại làm ảnh hưởng đến an toàn công trình. Công ty chủ trì, phối hợp với huyện Nam Đông, các xã liên quan khảo sát, lập phương án và thực hiện lắp đặt hệ thống cảnh báo điều tiết lũ và phát điện phía hạ du công trình thủy điện để thông báo đến người dân trong quá trình vận hành.
|
Thủy điện Bình Điền chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó thiên tai |
Vận hành an toàn
Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền - chủ đầu tư thủy điện Bình Điền (Hương Trà) thông tin, hiện đơn vị đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của đoàn kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai tại nhà máy thủy điện Bình Điền. Theo đó, đã thực hiện các nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Tư vấn đại học Xây dựng (đơn vị tư vấn kiểm định) trên cơ sở yêu cầu của Sở Công thương.
Trước mùa mưa lũ năm nay, công ty đã tổ chức kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, bố trí nhân lực trực ban trước khi có mưa lớn nhằm chủ động giải pháp ứng phó khi có tình huống xảy ra. Bảo dưỡng định kỳ máy phát điện, thiết bị cơ khí thủy công đập tràn, bơm thoát nước… chuẩn bị cho mùa mưa lũ. Công ty chuẩn bị lương thực thực phẩm sử dụng được 20 ngày trong trường hợp chia cắt, nhiên liệu, thiết bị xe máy được tập kết đầy đủ tại công trình.
Cũng theo yêu cầu của Sở Công thương, công ty đã quan trắc, lập phương án để gia cố khắc phục tuyến đường vận hành công trình bạt taluy với độ dốc lớn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn cho người cũng như công trình. Đồng thời, rà soát để cảnh báo cho người dân ở khu vực đập, ngầm tràn, khu vực ngập lụt trên phạm vi công trình khi có mưa lớn xảy ra. Duy trì thông tin liên lạc với các địa phương, đơn vị có liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với các tình huống.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị đã yêu cầu các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ, thượng, hạ lưu công trình đầu mối, kho bãi, lán trại của công nhân vận hành. Đề phòng đất đá sạt lở gây sóng lũ và làm nước hồ dâng cao đột ngột, hạn chế thoát lũ đe dọa đến vận hành an toàn công trình.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, tổ chức trực ban theo dõi đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, các hồ thuỷ điện, thủy lợi thường xuyên cập nhật thông tin về mực nước, lưu lượng trên Hue-S để người dân chủ động theo dõi, phòng tránh.