Thận là cơ quan nội tạng rất quan trọng đối sự sống của con người. Thận khỏe mạnh sẽ giúp quá trình lọc máu diễn ra tự nhiên, đào thải độc tố, các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Do bất kỳ một nguyên nhân nào khiến thận suy yếu, không thể thực hiện được chức năng sẽ dẫn tới ứ trệ các chất độc làm tổn thương thận và tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể. Vậy, để thận khỏe mạnh, chúng ta cần phải làm gì?
Theo dõi huyết áp của bạn là một trong những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Bảo Phước
Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Mỗi ngày cơ thể cần 2-2,5 lít nước, tùy theo sức khỏe thể trạng, giới tính, trọng lượng cơ thể và hoạt động của người đó. Với những người chơi thể thao, mồ hôi tiết ra nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn. Để nạp đủ nước cho cơ thể, cần lưu ý những điều sau: không nên uống một lượng nước lớn một lúc mà nên uống từng ngụm nhỏ, để giúp các tế bào thẩm thấu lượng nước đưa vào; nên uống nước ấm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp mà còn tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa và việc tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên dễ dàng; không đợi đến khi khát mới uống, vì ngay cả khi không khát cơ thể vẫn có khả năng mất đi một lượng nước cần thiết cần phải bổ sung ngay...
Duy trì cân nặng phù hợp
Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số bệnh như: đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp ảnh hưởng đến thận. Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. Để làm được điều này, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.
Theo dõi huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố ảnh hưởng dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe, chẳng hạn như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng cholesterol máu, gây tổn thương thận. Cần duy trì huyết áp bình thường khoảng120/80 mmHg. Nếu tăng huyết áp cần gặp bác sĩ chuyên khoa, theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống, có thể dùng thuốc hạ áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thường xuyên vận động vừa sức
Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà còn ở những bệnh nhân bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu, tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận.
Kiểm soát đường huyết
Những bệnh nhân đái tháo đường, hoặc có nguy cơ tăng đường huyết là nguyên nhân dễ dẫn đến tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Do vậy, nếu kiểm soát đường máu tốt thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm, khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, cần gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị và phòng tổn thương ở thận.
Kiểm tra chức năng thận
Tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận thì cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những đối tượng sau cần lưu ý kiểm tra thường xuyên: người trên 60 tuổi, người sinh ra nhẹ cân, bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì.
Kiểm tra chức năng thận thường xuyên là một cách để tầm soát sức khỏe của thận, cũng biết được những thay đổi có thể xảy ra. Việc phát hiện sớm có thể giúp điều chỉnh lối sống cũng như những can thiệp y tế giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai.
Kiểm tra lượng muối và đạm
Giảm lượng natri (muối) và protein (đạm) trong khẩu phần ăn hàng ngày: Chế độ ăn quá nhiều muối và đạm sẽ khiến thận hoạt động vật vã, không được đào thải ra có thể làm thận tổn thương nhiều hơn. Trung bình một người trưởng thành nên bổ sung từ 1,1-1,3g/kg mỗi ngày. Trong đó, đạm động vật chỉ nên chiếm 50% tổng nhu cầu đạm. Mức đạm chiếm 13-20% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày. Ngoài hạn chế lượng protein, người bị bệnh thận nên ăn nhạt. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng muối mà người trưởng thành sử dụng là 5g/ngày. Với những người bị bệnh thận thì nên dùng ít hơn lượng này, chỉ nên dùng 2-4g/ngày. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều muối như: các loại dưa muối, các loại mắm.
TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng