ClockThứ Bảy, 17/09/2022 14:52

Dịch COVID-19 kéo dài, hơn 10,5 triệu người đã khỏi bệnh

Ca COVID-19 mới ở nước ta vẫn đang có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên hơn 10,5 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi; dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, do đó cần đẩy nhanh tiêm vaccine; Dịch COVID-19 kéo dài làm tăng nguy cơ mất an toàn về sử dụng thuốc và tổn hại có liên quan đến thuốc.

Bộ Y tế: Giám sát chặt chẽ dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạpKhẩn trương “xốc” lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch (Ảnh:Trần Minh)

Hơn 10,5 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi

Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở nước ta ngày 16/9 lại vượt mốc 3.000; trong ngày có gần 60.000 bệnh nhân khỏi, cao nhất trong khoảng vài tuần qua; Trong ngày không có F0 tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.454.079 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.752 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.508.736 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 902 nghìn trường hợp, trong số này có 129 bệnh nhân đang thở ô xy, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 114 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 11 ca.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Dịch COVID-19 kéo dài làm tăng nguy cơ mất an toàn về sử dụng thuốc và tổn hại có liên quan đến thuốc

Tại lễ mít tinh, hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2022 (17/9) do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá: Dịch COVID-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và tổn hại có liên quan đến thuốc. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng thuốc an toàn, không gây hại là rất quan trọng; vì vậy đây cũng được chọn là chủ đề của Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2022.

Để nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao an toàn khi sử dụng thuốc, mục tiêu của Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2022 tập trung vào các mục tiêu nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, ủng hộ hành động khẩn cấp để cải thiện an toàn sử dụng thuốc; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc; hướng dẫn người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn; tích cực triển khai chiến dịch An toàn người bệnh toàn cầu của WHO về sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.

Ngày an toàn người bệnh thế giới năm nay ưu tiên hành động can thiệp sớm để ngăn ngừa các tổn hại cho người bệnh do các hành vi không an toàn liên quan đến thuốc. Những hành vi này bao gồm các tình huống nguy cơ trong chăm sóc, điều trị như: Dùng quá nhiều loại thuốc, dùng các loại thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau… chiến dịch tập trung đặc biệt vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với an toàn sử dụng thuốc, liên quan đến sự gián đoạn nghiêm trọng việc cung cấp các dịch vụ y tế trong đại dịch.

Theo suckhoedoisong.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top