Để phát huy chức năng, vai trò của các cơ sở y tế này, Sở Y tế đã khảo sát, đưa ra kế hoạch nhằm củng cố một thành phần quan trọng trong thế “kiềng ba chân” của ngành.
Lấy mẫu máu tại Phòng khám đa khoa Thuận An (TP. Huế)
Giảm tải cho tuyến trên
Bà Phan Thị Th., 75 tuổi, làm nghề buôn bán ở Diên Trường, Thuận An (TP. Huế) đau lưng nhiều ngày qua nên đến Phòng khám đa khoa (PKĐK) Thuận An. Không biết chữ nên bác sĩ phải hướng dẫn cho bà khá kỹ càng từ châm cứu đến lấy thuốc. Đi cùng bà còn có bà Nguyễn Thị T. bị liệt mặt tái khám. Ở dãy ghế bên ngoài, rất nhiều bệnh nhân ngồi chờ đến lượt. Đây là khu vực điều trị luôn đông đúc người so với các bộ phận khác.
PKĐK Thuận An có 4 phòng khám, 1 phòng cấp cứu, khu điều trị y học cổ truyền (YHCT), bộ phận xét nghiệm, bộ phận cung ứng dược. BS. Võ Anh Tùng, Trưởng PKĐK Thuận An cho biết, bình quân mỗi năm, phòng khám phục vụ khoảng 9.000 lượt khám, chữa bệnh (KCB); trong đó, khám lâm sàng nội-nhi, xét nghiệm, điều trị Đông y chiếm tỷ lệ cao.
Tuy vậy, phòng khám này chỉ có 12 cán bộ, đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nhân lực (BS răng-hàm-mặt, mắt, tai-mũi-họng), thiếu trang thiết bị: máy siêu âm, điện tim. Điều đáng lo là, cơ sở hạ tầng phòng khám xuống cấp, đặc biệt là bộ phận YHCT. Vào mùa mưa, bệnh nhân đến điều trị di chuyển qua chặng đường ngập nước, giao thông đi lại khó khăn.
Là một địa chỉ KCB được đánh giá cao ở tuyến huyện, PKĐK Lộc An hoạt động theo mô hình hai trong một (kết hợp với TTYT Lộc An). Mô hình này vừa tận dụng nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ KCB 6 xã khu I (vùng có dân cư chiếm 1/3 dân số Phú Lộc) và KCN La Sơn. Địa bàn trải dài 20km dọc đường Quốc lộ 1A cùng hệ thống đường sắt Bắc – Nam, các trường hợp bị tai nạn giao thông xảy ra đã được xử lý bước đầu, tranh thủ giờ vàng góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. Mới đây nhất, cụ L.D. (90 tuổi) bị xe container va chạm khi đi chợ sáng sớm. Nhờ ê kíp cấp cứu xử lý kịp thời và chuyển đi điều trị, đến nay, sức khỏe cụ D. đã ổn định. Sau khi tuyến cao tốc Túy Loan – Cam Lộ đưa vào hoạt động, theo chỉ đạo của ngành, phòng khám đảm nhận thêm chốt cấp cứu với 2 đội cấp cứu lưu động cho tuyến đường này.
PKĐK Lộc An có 20 cán bộ. Đơn vị được trang cấp máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy siêu âm, điện tim. Trong 10 tháng đầu năm, đơn vị này KCB cho hơn 9.000 lượt, trong đó có hơn 300 ca cấp cứu, thực hiện hơn 3.000 ca thủ thuật. Nơi đây thường xuyên khám, điều trị cho người lao động và lực lượng công nhân. Ông Nguyễn A., thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền (Phú Lộc), 70 tuổi, có BHYT hộ nghèo bị hen suyễn nặng đến khám cho hay: “Tui bệnh đã lâu, thường xuyên tới đây khám. Có khi trở nặng phải thở ô xy và chuyển tuyến cấp cứu. Phòng khám gần đây nên thân già như tui đỡ lo lắng mỗi khi lên cơn đau đột xuất”.
Theo BSCKI. Nguyễn Hồng Phong, Trưởng PKĐK Lộc An thông tin: “Cao điểm, có ngày cơ sở y tế này phục vụ gần 200 lượt người. Nhờ được đầu tư trang thiết bị máy móc nên các dịch vụ khám, điều trị đáp ứng nhu cầu của bà con, hạn chế việc chuyển tuyến. Thời gian tới, đơn vị mong được bảo dưỡng, duy trì các phương tiện máy móc nhằm phát huy tối đa công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong khu vực.
Khám cho trẻ sơ sinh tại Phòng khám đa khoa Lộc An (Phú Lộc)
Một thành phần trong “Kiềng ba chân”
Toàn tỉnh duy trì hoạt động 6 PKĐK. TP. Huế có PKĐK Khu vực II, PKĐK KV III, PKĐK Thuận An; huyện Phú Lộc có PKĐK Vinh Giang, PKĐK Lộc An; huyện Phong Điền có PKĐK Điền Hải. Các PKĐK đóng tại các vùng tập trung đông dân cư, địa bàn xa, thường xảy ra nhiều tai nạn giao thông, đi lại khó khăn trong mùa mưa bão.
Hoạt động chủ yếu của PK là tổ chức sơ, cấp cứu tại chỗ, cấp cứu ngoại viện; khám bệnh kê đơn, cấp phát thuốc BHYT, quản lý điều trị ngoại trú cho Nhân dân tại địa bàn phụ trách về một số bệnh mạn tính, bệnh xã hội và bệnh cấp tính trong phạm vi chuyên môn cho phép. Ngoài ra, PKĐK thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các trạm y tế địa phương.
Theo đánh giá chung, các PKĐK đa số được xây dựng từ nhiều năm trước nên xuống cấp và chưa được đầu tư để nâng cấp, duy tu sửa chữa lớn; một số phòng ốc thấm ẩm, mái dột, hạng mục điện, nước, cửa hư hỏng. Mặc dù được trang bị máy móc cơ bản cho hoạt động giúp chẩn đoán và điều trị người bệnh như X-Quang, siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu… song nhìn chung vẫn thiếu đồng bộ, trang thiết bị đều cũ, thường hư hỏng. Tại PKĐK Vinh Giang X-Quang, siêu âm hỏng; PKĐK Thuận An chưa có siêu âm, điện tim; PKĐK KV III thường xuyên hư hỏng siêu âm đen trắng, điện tim; PKĐK KV II thường xuyên hỏng siêu âm, máy xét nghiệm huyết học, sinh hóa...
6 phòng khám hiện có 95 viên chức với 26 bác sĩ; 12 y sĩ; 32 điều dưỡng, hộ sinh; 8 kỹ thuật y; 8 dược sĩ... Các PKĐK chưa đầy đủ nhân lực (trừ PKĐK Điền Hải mới thẩm định lại 2022) để thực hiện các nhiệm vụ KCB theo quy định.
PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, chức năng của các PKĐK không thay đổi trong hệ thống phục vụ KCB và giảm tải cho các tuyến trên. Người dân các địa phương được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế từ những đơn vị này. “Sở Y tế đã tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể các PKĐK và cùng các trạm y tế, trung tâm y tế… và sẽ tiến hành điều chỉnh lại hoạt động của phòng khám cho phù hợp thực tế trong bối cảnh quy hoạch chung của ngành. PKĐK sẽ trở thành một thành phần trong thế “kiềng ba chân” theo NQ 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển ngành y tế”, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo nhấn mạnh.
“Về nhân lực, sẽ thu hút nguồn nhân lực dựa trên chính sách thu hút của tỉnh, tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao tay nghề cũng như đào tạo, luân chuyển cán bộ từ các đơn vị khác theo kế hoạch của ngành. Về hạ tầng, trên cơ sở Thông tư 07 của Bộ Y tế, ngành đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có phòng khám nâng cấp cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn công tác KCB”, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo thông tin thêm.
Bài, ảnh: Linh Tuệ