Những F0 đủ điều kiện về nhà
Nỗi lo nhẹ dần
Dù đã rất cố gắng cẩn thận thực hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhưng chị T.T.T (thị xã Hương Thủy) vẫn bị nhiễm COVID-19. Thật không may, ngay khi chị test nhanh cho kết quả dương tính thì cô con gái nhỏ 6 tuổi của chị cũng cho kết quả tương tự. Nỗi lo bỗng chốc nhân lên vạn lần. Tuy tình trạng sức khỏe của cả hai mẹ con đều ổn định, chưa có những dấu hiệu bất thường, nhưng do không đảm bảo điều kiện về phòng cách ly và trong nhà có người cao tuổi, kèm bệnh nền nên cả hai mẹ con đều được cách ly theo dõi tại cơ sở T2- F0 ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy).
Ngày đầu được tiếp nhận, chị T. ngổn ngang trăm mối lo. Phần thì cho bản thân và con nhỏ tại T, phần thì lo người nhà toàn thuộc diện F1 cứng, nguy cơ “thăng hạng” rất cao. Qua màn hình điện thoại, chị ôm cô con gái nhỏ vào lòng, tâm tư nặng trĩu, mệt mỏi và kiên nhẫn đợi lấy mẫu xét nghiệm và được bố trí chỗ nghỉ. Qua ngày thứ tư, tâm trạng và ánh mắt chị T. đã vui vẻ và linh hoạt hơn nhiều. Chị khoe, các F1 trong gia đình vẫn an toàn và 2 mẹ con đều khỏe. “Thi thoảng mình có ho và có mất vị giác nên ăn không cảm nhận được vị ngon. Nhưng tình trạng của 2 mẹ con đều đang ổn, các cô, các chú hỗ trợ ăn uống và kiểm tra sức khỏe rất nhiệt tình, tình cảm và hỏi thăm thường xuyên nên đỡ lo hẳn”, chị T. chia sẻ.
Trong phòng của mẹ con chị T. có đến 4 trẻ nhỏ. Các con từ xa lạ vì dịch bệnh mà tập trung về đây, ai cũng lạ, cũng kín mít khẩu trang nhưng lại thân quen nhớ nhau qua ánh mắt. “Vô đến đây rồi, ai cũng thấy COVID-19 “gần” mình như thế nào, đáng sợ như thế nào và mọi người chỉ mong bệnh đừng chuyển nặng để không phải lên điều trị ở tuyến cao hơn. Mỗi ngày có người trong phòng được về, những người còn lại quyến luyến, vui buồn lẫn lộn. Mọi người cùng động viên nhau, nếu trở thành F0 là điều không may mắn, thì F0 được vào T và trở về nhà từ T thì lại là điều may mắn bội phần. Tết sắp đến, mong mọi người đều bình an qua đại dịch này”, chị T. nói thêm.
Nỗ lực hơn mỗi ngày
Từ khi bắt đầu nâng cấp lên khung điều trị F0 đến nay, T3-F0 (phường Phú Thượng, TP. Huế) luôn có trên dưới 1.000 bệnh nhân. Vừa mới kiểm tra thủ tục cho một số bệnh nhân khỏi bệnh về nhà, Thiếu tá Nguyễn Duy Hiếu, Chính trị viên Khung T3-F0 lại tất bật di chuyển về địa điểm phục vụ hậu cần để đôn đốc các cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị cơm phục vụ bệnh nhân. Hiện, khung đang thu dung, điều trị cho hơn 1.200 công dân. Với số lượng 70 cán bộ, chiến sĩ phục vụ thì công việc mỗi ngày từ nấu ăn, đưa cơm, nước, dọn vệ sinh, khử khuẩn, giặt giũ chăn màn, vận chuyển đồ tiếp tế… là quá tải.
“Với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, chính quyền và Nhân dân đều đang “gồng mình” chống dịch, thì tất cả chúng tôi đều chung một ý chí và nỗ lực mỗi ngày để phục vụ bệnh nhân chu đáo nhất có thể. Hiểu được sự cố gắng của chúng tôi nên bà con rất ý thức trong quá trình điều trị ở đây. Nhiều người dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ giường, phòng trước khi ra về khiến chúng tôi rất xúc động và hiểu rằng đó là sự sẻ chia đơn giản nhưng vô cùng ấm áp của bà con”, Thiếu tá Nguyễn Duy Hiếu cho biết.
Để chăm sóc các trường hợp F0 được cách ly tập trung tại Khung T3-F0, bộ phận y tế tại đây được bố trí 60 cán bộ, nhân viên y tế, do Trung tâm Y tế huyện Phú Vang phụ trách. Theo BS CKII. Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Vang, mỗi ngày đơn vị bố trí 35 người trực chuyên môn, chia thành 3 kíp. Bình quân, mỗi cán bộ y tế tham gia công việc tại điểm T3-F0 21 ngày, nhưng có nhiều người bám trụ cả tháng để chia sẻ công việc cùng anh em. Bởi lẽ, cũng chừng ấy cán bộ, nhân viên y tế được bố trí trực nhưng có thời điểm T3-F0 đón cách ly lên đến 1.600 người, áp lực công việc vô vùng lớn.
“Đón tiếp, lấy mẫu xét nghiệm PCR, thăm khám để phân loại hiện trạng sức khỏe người bệnh, cấp phát thuốc và phối hợp cùng lực lượng quân đội hướng dẫn bà con về phòng nghỉ ngơi… Đó là nhiệm vụ đầu tiên. Sau đó, mỗi ngày nhân viên y tế đến từng phòng, đo thân nhiệt, đo nồng độ oxy trong máu và hỏi thăm tình hình sức khỏe từng người. Nếu ai có dấu hiệu sức khỏe bất thường thì được chuyển xuống phòng cấp cứu theo dõi, hoặc chuyển tuyến”, bác sĩ Trương Như Sơn chia sẻ.
Thực tế, trở thành F0 và phải đi cách ly tập trung là điều hoàn toàn không ai muốn. Khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh áp dụng biện pháp cho F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà, không ít trường hợp là F0 phải đi cách ly tập trung lại có tâm lý căng thẳng, không thoải mái, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, thực hiện cách ly tập trung các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ khi họ không đủ điều kiện cách ly tại nhà là giải pháp tối ưu để ngành y tế và chính quyền địa phương vừa chăm sóc tốt nhất có thể cho F0, vừa bảo đảm an toàn cho những thành viên còn lại trong gia đình và cộng đồng. Chỉ mong, mỗi người đều luôn nhớ 5K và tuân thủ tốt để không ai trở thành F0, các điểm cách ly tập trung ngày càng ít người và nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội cũng giảm được phần nào áp lực công việc.
Bài, ảnh: Văn – Thảo