Môi trường làm việc là điều các y, bác sĩ ở tuyến huyện, tỉnh trăn trở. Ảnh: Minh Văn
Khó tuyển
Bác sĩ Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế cho hay: “Năm 2015, chỉ tiêu là 39 người nhưng chỉ tuyển được 7 người. Năm 2016, chỉ tiêu 52, tuyển được 10. Năm 2017, chỉ tiêu 48 tuyển được 18 và năm 2018 chỉ tiêu 24 nhưng chỉ tuyển được 4. Lý do không tuyển được không phải ngành khắt khe hay đòi hỏi gì cả mà do các em sinh viên tốt nghiệp đại học y dược không về vì lương thấp, áp lực công việc lớn, trong khi ở các tỉnh, thành sinh viên y khoa Huế tốt nghiệp đều được chào đón, với nhiều ưu đãi”.
Tìm hiểu thực tế thu nhập của các bác sĩ đang làm việc trong ngành y tế mới thấy được khó khăn, sức ép nghề nghiệp của họ. Học tập kéo dài (6 năm), rồi thực tập, thi cử khó khăn nhưng khi ra trường, làm việc ban ngày, trực ban đêm nhưng lương chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng.
Nhiều sinh viên Trường đại học Y dược Huế mới tốt nghiệp, khi tôi hỏi có ở lại địa phương làm việc không thì nhiều em do dự, có em lắc đầu. Một số thì tiếp tục thi vào học nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế để mong có cơ hội làm việc tại đây; một số vào công tác tại tỉnh Bình Dương, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng… Khi bác sĩ chính quy ra trường về nhận công tác tại các địa phương đó được cấp nhà, cấp đất, trợ cấp trước khoảng hơn 200 triệu đồng/bác sĩ và nhận lương, thưởng hơn 10 triệu đồng/tháng, với điều kiện công tác khoảng 10 năm. Mức ưu đãi như thế đối với hầu hết các sinh viên y khoa Huế mới tốt nghiệp là một ước mơ lớn .
Cần giải pháp cụ thể
Ngành y tế Thừa Thiên Huế đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, đào tạo và bổ sung đội ngũ. Chỉ tiêu có nhưng tuyển không được; bác sĩ có chuyên môn cao, có thâm niên tay nghề nghỉ hưu rất lớn, mỗi năm có khoảng hơn15 người; khoảng 6 bác sĩ xin chuyển công tác ra khỏi địa phương hoặc thôi việc.
Công tác đào tạo nâng chuẩn cũng gặp khó khăn. Trước đây đội ngũ y sĩ muốn học lên bác sĩ hệ tại chức hoặc chuyên tu thì thi theo đề riêng, nhưng nay đội ngũ này muốn học bác sĩ phải thi theo đề thi chung quốc gia nên khó đậu. Mặt khác, việc học liên thông cũng thay đổi, theo chủ trương của Bộ Y tế, các đối tượng từ cao đẳng y muốn liên thông lên đại học bắt buộc phải tốt nghiệp cao đẳng y tế đa khoa, trong khi đó Trường cao đẳng Y tế Thừa Thiên Huế chưa đào tạo hệ này. Dự báo trong thời gian tới, đội ngũ bác sĩ, nhất là tuyến huyện sẽ thiếu hụt trầm trọng.
TS.BS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, nếu tỉnh không có những giải pháp cụ thể như có các chính sách ưu đãi về lương thưởng hoặc xin chủ trương mở thêm các lớp bác sĩ đào tạo theo địa chỉ thì ngành y tế sẽ rất khó khăn về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác. Lâu dài, chất lượng khám chữa bệnh của ngành sẽ gặp khó khăn, bệnh nhân sẽ chuyển tuyến lên trên, gây ra áp lực quá tải là điều khó tránh khỏi.
Y tế là ngành đặc thù, không giống như các ngành đào tạo kinh tế - kỹ thuật khác, bởi sinh viên y dược ra trường sẽ trở thành cán bộ y tế phụ trách việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thế nên xây dựng cơ chế đặc thù cho ngành y tế là việc nên làm.
Hoàng Trọng Bửu