ClockThứ Ba, 25/02/2020 16:12
Phòng chống dịch bệnh do COVID-19:

Kiểm soát tốt tình hình nhưng không được lơ là

TTH.VN - Sáng 25/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19. Tham gia hội nghị có hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Từ điểm cầu Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Việt – LàoCập nhật Covid-19: Thêm 71 ca tử vong, 508 ca nhiễm mới ở Trung QuốcKhôi phục một số dịch vụ trên chuyến bay trước diễn biến tích cực của dịch COVID-19Sẽ hạn chế được dịch bệnh, khi khách sạn và y tế phối hợp tốtBộ Y tế: Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch bệnh Covid-19Vì sao Covid-19 và virus SARS-CoV-2 gây bệnh này mang tên khác nhau?

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP. Huế

Kiểm soát tốt tình hình dịch

Tính đến trưa ngày 25/2, thế giới đã có 80.149 người mắc bệnh viêm phổi cấp do COVID-19, 2.701 người tử vong. Tại Việt Nam, có 16 người dương tính với COVID-19; đến sáng 25/2, cả 16 trường hợp trên đã được điều trị khỏi bệnh. Trong đó, có 3 trường hợp nhiễm bệnh rất đặc thù, gồm: một em bé 3 tháng tuổi và hai bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch. Các tổ chức quốc tế thì nói rất tốt, nhưng với đầy đủ sự nghiêm túc và khiêm tốn của người Việt, có thể nói rằng đến giờ phút này chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh”.

Có rất nhiều lý do để Việt Nam đạt được kết quả đó. Nhưng trước tiên, theo Phó Thủ tướng đó là do Việt Nam đã rất chủ động và thực hiện những công việc cần thiết từ rất sớm, như: là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thực hiện cách ly y tế bắt buộc để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19; chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với tinh thần lường đến tình huống xấu hơn để tình hình không xấu đi và tính đến tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không xảy ra.

Tham dự hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu cũng đã nghe các báo cáo công tác y tế trong năm 2019, nhiệm cụ công tác năm 2020; công tác dự phòng và phòng, chống dịch COVID-19; công tác dược, trang thiết bị y tế đảm bảo nhu cầu phòng chống dịch COVID-19; công tác truyền thông trong phòng, chống COVID-19; kinh nghiệm tổ chức cách ly; kinh nghiệm triển khai các hoạt động y tế trong vùng cách ly; cách tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trong trường học; công tác cách ly tại sân bay…

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là xuất hiện thêm nhiều ổ dịch ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, vì những phản ứng rất nhanh liên quan đến việc xử lý các chuyến bay đến từ vùng có dịch ở Hàn Quốc. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự vui mừng vì đến ngày hôm nay, người dân trên các vùng miền của Việt Nam đã hiểu biết đúng hơn về nguy cơ của COVID-19 và cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh. Qua đó, có cách tự phòng cho mình và không còn tâm lý hoảng sợ hơn mức cần thiết ở thời gian đầu.

Để có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh do COVID-19 cho đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện 5 phương châm như kinh nghiệm chống dịch trước đây, gồm: Ngăn chặn và ngăn chặn triệt để (vì không phải là nơi xuất phát dịch). Phát hiện và phát hiện sớm nhất. Cách ly và cách ly ngay lập tức. Khoanh vùng và khoanh vùng thật gọn. Dập tắt và dập tắt triệt để. “Chúng ta có nhiều bài học, trong đó có bài học điều trị ngay ở tuyến dưới bằng cách hỗ trợ công nghệ, chứ không tập trung về một chỗ. Điều này càng khẳng định, Việt Nam có cách vừa theo quy chuẩn chung, nhưng cũng vừa có cách đi riêng của mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Vai trò quan trọng của truyền thông

Trong nội dung các báo cáo và tham luận, cả ba Thứ trưởng của Bộ Y tế và đại diện tại các điểm cầu đều dành thời gian nhấn mạnh về vai trò của truyền thông trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, cách ly là việc tối quan trọng. Trong sự phối hợp để thực hiện đồng bộ các giải pháp, các đơn vị truyền thông làm sao để đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này đối với người dân. Công tác truyền thông phải làm sao để mỗi người dân hiểu rằng, khi buộc phải cách ly thì cần có sự hợp tác với các cơ quan chuyên môn. Thành công ở Vĩnh Phúc là bài học ý nghĩa về sự cách ly, khiến người dân yên tâm và vững tin hơn. Mặt khác, đối với các cơ quan báo chí, điều quan trọng là cần hết sức bình tĩnh, sàng lọc thông tin để truyền thông một cách chính xác và đúng đắn. Không nên vì nóng vội mà gây hoang mang trong dư luận, xáo trộn trong cộng đồng.

Thừa Thiên Huế diễn tập đưa người trở về từ vùng dịch đến khu cách ly

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của truyền thông, nhất là trước những diễn biến phức tạp của một dịch bệnh mới. Truyền thông cần làm sao để cộng đồng hiểu đúng về nó, không quá lo sợ trên mức cần thiết về nó và không phải sử dụng các biện pháp thực sự không có ích mà còn gây tốn kém, bất an cho xã hội. Nhưng đồng thời, truyền thông cũng phải luôn nhắc để cộng đồng không chủ quan.

“Truyền thông không chỉ riêng báo chí mà còn qua các kênh đoàn thể, mạng xã hội… Nhiệm vụ quan trọng của truyền thông làm phải làm sao để người dân hiểu và tham gia vào cùng với chính quyền phát hiện, cách ly theo dõi, quản lý những người có nguy cơ lây nhiễm. Chống dịch trong thời đại thông tin, điều đầu tiên phải dùng thông tin để minh bạch tất cả. các thông tin phải minh bạch thì mới cảnh báo được cho nhân dân nguy cơ và những việc cần làm để mọi người dân tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả. Chống dịch không phải chỉ việc của ngành y tế, mà đầu tiên, tiên quyết là của từng người dân. Mỗi người dân phải ý thức được và tham gia”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chưa thắng cả cuộc chiến

“Nếu Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”, thì tôi xin ví, cuộc chống dịch này như một cuộc chiến. Đến giờ phút này, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên, nhưng chưa thắng cả cuộc chiến. Tình hình sẽ còn thay đổi rất khó lường, nhưng điều quan trọng là chúng ta có lòng tin, bám sát nguyên tắc đã chỉ đạo. Chúng ta kiên định kiên trì, không vì bất kỳ một sức ép nào để từ bỏ những nguyên tắc căn bản trong chống dịch. Không được một phút nào lơi là”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Chính vì không được một phút lơ là, Phó Thủ tướng đề nghị công tác phòng chống dịch COVID-19 ở khắp mọi miền trong cả nước thời gian tới cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ các vùng dịch và đảm bảo việc cách ly thật tốt, thật an toàn. Đồng thời, sớm đưa cuộc sống sản xuất kinh doanh trở lại bình thường trong điều kiện chống dịch. Tất cả mọi địa phương đều phải thực hiện công tác phòng chống dịch theo phương châm vừa học vừa làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoàn thiện bài tham luận về “Kinh nghiệm triển khai các hoạt động y tế trong vùng cách ly dịch bệnh COVID-19 tại xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)” thành cẩm nang “phiên bản 1”. Ngay trong sáng 27/2, phiên bản này phải được chuyển về các địa phương nước để đúc kết thành những bài học, những kịch bản, phương án và cơ chế điều hành tương tự khi có dịch trong tương lai.

Tại điểm cầu Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã dành một phút im lặng kính cẩn tri ân các thế hệ Thầy thuốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Trong đó, có cả các y, bác sĩ đã hy sinh trong dịch SARS năm 2003, còn để lại cho chúng ta những tấm gương và rất nhiều bài học quý báu đến ngày hôm nay. Phó Thủ tướng xúc động: Thay vì rất nhiều hoa, tôi xin đề nghị dành một tràng vỗ tay tri ân các bác sĩ, thầy thuốc. Thay vì rất nhiều hoa, tôi cũng xin chúng ta dành một tràng vỗ tay dài để tri ân các thầy thuốc, các chiến sĩ biên phòng, công an cửa khẩu, các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà báo và tất cả mọi người dân đã cùng tham gia đánh “giặc” COVID-19, với một tinh thần chống dịch như chống giặc mà kết quả đạt được có thể nói là rất đáng mừng cho đến giờ phút này. 

Bài, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm.

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số
Nỗi lòng đã được lắng nghe

Sau nhiều năm không có phụ cấp, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ hàng tháng đối với nhân viên y tế (NVYT) thôn bản tại các tổ dân phố. Điều này thể hiện sự quan tâm của ngành Y tế, góp phần bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội.

Nỗi lòng đã được lắng nghe
Return to top