ClockThứ Năm, 13/04/2017 10:02

Liệu pháp miễn dịch, hướng mới điều trị ung thư

TTH - Ước tính có khoảng 22,2 triệu ca ung thư mới mắc trên toàn thế giới vào năm 2030 [Stewart BW, Wild CP, Báo cáo Ung thư Thế giới 2014]. Sự phát triển của liệu pháp miễn dịch trong những năm gần đây liên tục có nhiều đột phá mới trong nỗ lực không ngừng cải thiện cuộc sống của bệnh nhân, thậm chí nó có thể làm thay đổi xu hướng điều trị ung thư trong tương lai.

 

Miễn dịch điều trị ung thư là gì

Miễn dịch (còn được gọi là liệu pháp sinh học) điều trị ung thư là phương pháp điều trị sử dụng một số thành phần của hệ miễn dịch của người để chống lại bệnh ung thư, theo các cách thức sau:

Kích hoạt hệ miễn dịch làm việc nhiều hơn hay thông minh hơn để tấn công các tế bào ung thư.

Cung cấp cho cơ thể các thành phần của hệ miễn dịch

Tuy vậy, không phải loại ung thư nào cũng phù hợp cho liệu pháp miễn dịch. Với một số bệnh ung thư nhất định, các phương pháp điều trị kinh điển, như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị vẫn chứng minh giá trị.

Hệ miễn dịch của cơ thể người là một tập hợp các cơ quan, các tế bào và các chất đặc biệt giúp bảo vệ cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng hay một số bệnh lý khác bao gồm bệnh ung thư. Hệ miễn dịch theo dõi phát hiện những “nhân tố” lạ xuất hiện trong cơ thể như vi khuẩn hay các tế bào ung thư, báo động và tấn công chúng, gọi là đáp ứng miễn dịch. Mặc dù vậy, riêng với tế bào ung thư thì hệ miễn dịch gặp thách thức lớn hơn do là các tế bào biến đổi và phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát và hệ miễn dịch không phải bao giờ cũng phát hiện chúng như những “kẻ lạ”. Nhiều người có một hệ miễn dịch khỏe mạnh vẫn mắc ung thư. Đôi khi hệ miễn dịch không thể phát hiện các tế bào ung thư vì chúng không khác biệt so với tế bào bình thường. Thêm nữa, phát hiện là một chuyện nhưng có đủ sức để tiêu diệt tế bào ung thư không là chuyện khác. Bản thân tế bào ung thư có thể tiết ra các chất để có thể “tàng hình” và “vô đối” trước hệ miễn dịch. Để khắc phục những tình huống này, tất cả những gì các nhà nghiên cứu đang làm là huấn luyện hệ miễn dịch tìm cách phát hiện ra các tế bào ung thư và tăng cường sức mạnh để tiêu diệt chúng.

Những hướng nghiên cứu, thử nghiệm

Hiện có các loại miễn dịch điều trị ung thư sau:

* Kháng thể đơn dòng (mAb): Là các “phiên bản” nhân tạo của các protein của hệ miễn dịch, được tạo ra nhằm tấn công đến các đích cụ thể của tế bào ung thư. Đến nay, các loại mAb đã được ứng dụng điều trị rất hiệu quả một số bệnh ung thư, như vú, phổi, dạ dày, u lymphôm, đại trực tràng... Các nhà nghiên cứu ngày càng tìm ra những khác biệt vi tế giữa một tế bào ung thư và một tế bào lành và họ đã phát triển thêm nhiều loại mAbmới để khai thác sự khác biệt này, tạo ra các thế hệ thuốc mAb mạnh hơn, hiệu quả hơn, và hơn thế, an toàn hơn. Bởi các mAb là một loại protein, cũng là đối tượng của phản ứng miễn dịch, dẫn đến chúng cũng sẽ bị phá hủy hoặc gây ra nhiều tác dụng phụ. Các thế hệ mAb mới sẽ được phát triển theo hướng ít bị phản ứng miễn dịch hơn, bằng cách chỉ sử dụng một vài thành tố nhất định của mAb, và/hoặc kết hợp các thành tố này với nhau.

* Thuốc ức chế “chốt kiểm soát” miễn dịch: Những thuốc này làm xả phanh (thắng) hệ miễn dịch nhằm phát hiện và tấn công các tế bào ung thư. Hệ miễn dịch có những loại protein đóng vai trò như các “chốt kiểm soát” (checkpoint) như PD-1 và CTLA-4 giúp bảo vệ các tế bào bình thường trong cơ thể. Chính các “chốt kiểm soát” này đã bị các tế bào ung thư lợi dụng để né tránh đòn tấn công của hệ miễn dịch. Đánh vào các “chốt kiểm soát” chính là hướng điều trị này, bước đầu chứng minh rất hiệu quả đối với bệnh ung thư hắc tố, ung thư phổi không tế bào nhỏ, và đầy hứa hẹn cho một số loại ung thư khác như gan, thận, các ung thư vùng đầu - cổ, ung thư bạch huyết và u nguyên bào thần kinh đệm... Các hướngnghiên cứu mới là kết hợp nhiều thuốc miễn dịch khác nhau cho các mục tiêu khác nhau, hoặc kết hợp thuốc miễn dịch với các thuốc hóa trị thông thường, nhằm làm tăng hiệu quả điều trị, và tất nhiên nguy cơ độc tính nghiêm trọng gia tăng cũng phải được xem xét.

* Vắc-xin ung thư: Vắc-xin là chất được đưa vào cơ thể nhằm khởi động phản ứng miễn dịch ngăn ngừa một số bệnh tật. Cũng theo cách đó, vắc-xin có thể ngăn ngừa và cả điều trị ung thư. Mặc dù rất nỗ lực qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đạt nhiều thành công như mong muốn ban đầu. Một trong những nguyên nhân là các tế bào ung thư đủ tinh quái để lẩn trốn hệ miễn dịch. Hiện, có nhiều loại vắc-xin đang được nghiên cứu như: vắc-xin tế bào ung thư (lấy từ chính tế bào ung thư được sinh thiết, làm bất hoạt trong phòng thí nghiệm, sau đó tiêm trở lại cho bệnh nhân để hệ miễn dịch nhận dạng và tấn công), vắc-xin kháng nguyên (chỉ lấy một hay một vài kháng nguyên trong tế bào), vắc-xin tế bào đuôi gai kích hoạt hệ miễn dịch, vắc-xin gắn chất vận chuyển (vector-based) tăng hiệu quả của hệ miễn dịch và các phản ứng miễn dịch... Một số bệnh ung thư mà liệu pháp vắc-xin ung thư đang hướng tới bao gồm: vú, cổ tử cung, đại trực tràng, u nguyên bào thần kinh đệm, tụy, tiền liệt tuyến, ung thư bạch huyết, thận, phổi...

* Miễn dịch không đặc hiệu: Là các phương pháp tăng cường hệ miễn dịch theo những cách thông thường, có thể giúp cơ thể tấn công hoặc chống đỡ sức công phá của của các tế bào ung thư, như liệu pháp tế bào T, lymphô bào và interleukin-2 xâm nhập khối u.

* Vi-rút diệt ung thư: Vi-rút, một loại mầm bệnh có thể lây nhiễm và giết chết tế bào ung thư, gọi là vi-rút diệt ung thư (virus oncolytic); bên cạnh đó chúng còn có tác dụng cảnh báo, tăng cường hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư.

Theo bà Julie M. Vose, Chủ tịch Hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO): “Chưa từng có những tiến bộ nào trong điều trị ung thư có tốc độ biến chuyển nhanh như liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch không chỉ làm thay đổi bức tranh điều trị ung thư mà còn mở ra một con đường vô cùng hấp dẫn phía trước để nghiên cứu”(1). Hướng nghiên cứu sắp tới bao gồm phối hợp đồng thời nhiều liệu pháp miễn dịch, kết hợp liệu pháp miễn dịch với phương pháp điều trị truyền thống như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật, hoặc chọn miễn dịch như là phương pháp điều trị bước 1 (đầu tiên) trong kế hoạch điều trị. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm cách xác định các dấu ấn sinh học có thể giúp tiên đoán mức độ đáp ứng của bệnh và định hướng quyết định điều trị. Trong tương lai gần, liệu pháp miễn dịch sẽ trở thành trụ cột thứ tư trong điều trị ung thư, cùng với hóa trị, phẫu thuật và xạ trị.

TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG


(1) http://news.mims.com/vietnam/topic/oncology/asco-names-immunotherapy-as-cancer-advance-of-the-year?elq_mid=4060&elq_cid=2188

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top