Cháu Trần Mạnh được các bác sĩ thăm khám đều đặn
Bà Nguyễn Thị Lý, năm nay 60 tuổi, ở thôn Hải Thanh, trải lòng: “Ông nhà tui bị cao huyết áp, mấy năm ni cứ liên tục bị tai biến, lần mô gọi điện là bác sĩ về liền. Thăm khám xong, bác sĩ còn dặn dò kỹ lưỡng chế độ ăn, uống tập luyện, nhờ rứa sức khỏe ổn định”.
Cháu Trần Mạnh, sinh năm 2010, con trai chị Ngô Thị Lành bị bại não bẩm sinh, hoàn toàn không có ý thức. Hàng tháng, mỗi tuần một lần cán bộ y tế phối hợp với cộng tác viên tại thôn đến khám, vật lý trị liệu và hướng dẫn người nhà tập luyện giúp cháu không chỉ duy trì sức khỏe tốt mà còn thể hiện được một vài hoạt động có ý thức.
Lực lượng cán bộ ở Trạm Y tế xã Phú Thanh chỉ có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 cán bộ dân số. Để phát huy hiệu quả từ mô hình này, khi khám bệnh tại trạm, các y bác sĩ kết hợp giới thiệu, hướng dẫn bệnh nhân cách kết nối khi gia đình có người bị bệnh đột ngột, hoặc bệnh nhân bị bệnh nặng khó di chuyển, bệnh nhân lớn tuổi..., đồng thời, lồng ghép hướng dẫn người dân cách phòng, chống và tự điều trị bệnh sớm. Với lợi thế cán bộ trạm đều là người địa phương hoặc đã công tác lâu năm ở đây nên hiểu rõ điều kiện sống của từng hộ gia đình, chất lượng môi trường, tình hình diễn biến thời tiết hàng năm...
Công tác phòng, chống dịch bệnh và việc triển khai các chương trình sức khỏe, như lao, tâm thần, HIV luôn được thực hiện tốt. Nhờ nắm bắt được tình trạng bệnh lý của bệnh nhân nên dễ phán đoán tiền sử bệnh tật để hướng dẫn bệnh nhân hướng điều trị, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giảm tải cho các tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Vũ, Trưởng trạm Y tế xã Phú Thanh, cho biết: “Sau 5 năm thực hiện thí điểm mô hình hoạt động y học theo nguyên lý gia đình, chúng tôi nhận thấy cách làm này mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ngược lại, thông qua mô hình, cán bộ y tế có điều kiện đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý bệnh nhẹ, bệnh mạn tính ngay tại tuyến y tế cơ sở ban đầu để thực hiện một cách bài bản hơn”.
Dù không tránh khỏi những khó khăn ban đầu nhưng hầu hết cán bộ y tế đều làm việc hết sức nhiệt tình. Điều dưỡng Đặng Thị Trúc, người có gần 20 năm công tác tại trạm, chia sẻ: “Sau mỗi lần giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch, phục hồi chức năng chúng tôi lại có động lực để hoàn thiện bản thân hơn”.
Bác sĩ Vũ, nhớ lại: “Mùa lũ năm 2017, anh em lo chống lũ thì gia đình bệnh nhân Phạm Hữu Niên thuê ghe máy đến kêu cứu vì ông Niên bị suy hô hấp nặng. Nhà bệnh nhân ở vùng rốn lũ, dù đã mặc áo phao, nhưng thực lòng ai cũng run lắm. Thế mà cấp cứu xong, xác định được bệnh nhân đã vượt qua nguy hiểm thì bao lo sợ biến mất”. Đến thăm nhà cụ Dương Kế, 92 tuổi, ở thôn Quy Lai, bị cao huyết áp mức độ nặng, người nhà cụ khẳng định: “Ôn chừ vẫn sống khỏe là nhờ cán bộ trạm về thăm khám đều đặn”.
Đến nay, Trạm y tế xã Phú Thanh đã lập 2.893 hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, chiếm gần 65% tỷ lệ dân số trên địa bàn để có hướng truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân biết cách phòng tránh bệnh. Để phát triển mô hình này, ngành y tế cần có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng cho các trạm y tế như đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân.
Ông Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, nhận xét: “Quản lý tốt hồ sơ và chỉ số sức khỏe cá nhân, chăm sóc liên tục bệnh nhân là những gì trạm y tế Phú Thanh đã làm tốt. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ tham gia nhiều lớp bồi dưỡng bác sĩ y học gia đình để nhân rộng mô hình và thực hiện ngày càng bài bản hơn”.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN