Ngày hội Hiến máu tình nguyện đầu xuân ở Hương Giang
Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại
Vào một đêm mưa rét đầu năm 2018, khi nhận được thông tin có một ca bệnh cấp cứu ở Bệnh viện Phú Lộc đang cần truyền nhóm máu hiếm AB, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Chủ nhiệm Ngân hàng máu sống của xã Nguyễn Thị Bảo Yến tức tốc đến nhà chị Lê Thị Thúy Hồng (50 tuổi, trú thôn Phú Nhuận) người có nhóm máu hiếm AB “cầu cứu”. Không cần suy nghĩ, chị Hồng lập tức khăn gói lên đường. Đây là lần thứ 3 chị phải đi xa để cho máu, còn những lần hiến ở Bệnh viện Nam Đông thì chị nhớ không xuể. Chị Hồng chia sẻ, xuất phát từ tình yêu thương con người mà những người như chị không quản ngại xa xôi, sẵn sàng có mặt để chia sẻ máu của mình đến với những người đang giành giật sự sống. “Người ta cần thì không có lý gì mình phải chần chừ. Mình đến sớm với người bệnh chừng nào thì cơ hội sống của họ lớn chừng đó”- chị Hồng nói.
Xã Hương Giang chỉ nằm cách trung tâm huyện Nam Đông chừng 7km nên mỗi khi có trường hợp nguy cấp cần máu, các bác sĩ ở Trung tâm Y tế thường gọi lên đường dây nóng của Hội Chữ thập đỏ xã. Trường hợp ông Hồ Văn Sanh, ở thị trấn Khe Tre bị tai nạn giao thông cần tiếp rất nhiều máu, trong đêm khuya anh em trong Ngân hàng máu sống lập tức đến Trung tâm Y tế của huyện để cho máu; hay trường hợp của một chị ở Thượng Long bị băng huyết khi sinh con cũng nhờ có Ngân hàng máu sống mà chị đã vượt qua cơn nguy cấp. Cá biệt có trường hợp về tận Phú Lộc hay lên Bệnh viện Trung ương Huế để hiến máu.
Chị Nguyễn Thị Bảo Yến cho biết, thành lập từ năm 2009, đến nay Ngân hàng máu sống xã Hương Giang được kiện toàn với 40 thành viên. Trong Ngân hàng máu sống có rất nhiều nhóm máu, nhưng quý nhất vẫn là 2 phụ nữa có nhóm máu hiếm AB. Ngoài chị Hồng, ở thôn Tây Linh còn có chị Hoàng Thị Hà đã nhiều lần đi xa trực tiếp hiến máu cứu người. Ngân hàng máu sống có nhiều cán bộ, công chức xã tham gia hiến máu từ 10 - 18 lần.
Giữ vững lá cờ đầu
Ông Phan Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hương Giang, người đã có 18 lần hiến máu chia sẻ, những năm trước, việc hiến máu nhân đạo ở xã Hương Giang quả là chuyện lạ. Người dân lo sợ đủ điều, từ sợ nhiễm bệnh, sợ mất máu và quan trọng hơn là “ăn còn chưa no” nói chi chuyện cho máu. Hồi ấy, Hội Chữ thập đỏ huyện phát động phong trào hiến máu cứu người, mặc dầu chỉ tiêu được giao khá ít nhưng ông Đức và cán bộ xã không biết tìm đâu ra người hiến máu. Thế là, ông tiên phong hiến máu, đồng thời vận động cán bộ xã cùng đi và không quên tuyên tuyền người dân tham gia hưởng ứng.
Ông Đức thường lấy mình làm ví dụ để tuyên truyền cho người dân. Ông bảo tôi là cán bộ, tham gia hiến máu về mà ăn ngon, ngủ khỏe, tăng ký. Không những vậy, khi hiến máu, mình còn được xét nghiệm máu miễn phí xem có bệnh gì không để sớm chữa trị, việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn có những tác dụng tích cực nhất định. “Mưa dầm thấm đất”, thấy được lợi ích trong việc hiến máu cứu người, ngoài đội ngũ cán bộ của xã, nhiều người dân Hương Giang tình nguyện đăng ký tham gia. Khi phong trào lớn mạnh, Đảng ủy, chính quyền xã thành lập Ngân hàng máu sống của xã hoạt động lớn mạnh cho đến hôm nay.
Nhờ có Ngân hàng máu sống, phong trào hiến máu tình nguyện ở Hương Giang hiện rất lớn mạnh. Những khi có đoàn đến tiếp nhận máu, cả xã như một ngày hội. Năm nào xã cũng hiến vượt chỉ tiêu đơn vị máu trên 200%. Nhiều gia đình có từ 2 - 4 người cùng tham gia hiến máu và số người hiến máu từ 15 lần trở lên ngày càng tăng.
Phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành một việc làm có ý nghĩa hết sức cao đẹp, thể hiện rõ tính nhân văn cao cả, là tiếng nói của lương tâm, là tình cảm của con người với con người, được xã hội tôn vinh. Hoạt động hiến máu tình nguyện trên địa bàn xã Hương Giang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân và cán bộ toàn xã. Hương Giang là xã nhiều năm liền được Trung ương Hội chữ thập đỏ và các cấp, các ngành khen thưởng về phong trào hiến máu tình nguyện và trở thành lá cờ đầu trong phong trào này của tỉnh.
Thái Bình