ClockThứ Bảy, 25/12/2021 14:00

“Những chiến binh ngược dòng”

TTH - Ứng phó với tình hình dịch COVID-19 phức tạp, ngành y tế đã kích hoạt nhiều cơ sở thu dung, điều trị F0, giảm tải rõ rệt cho y tế tuyến trên. Nhưng ở tuyến y tế cơ sở, nơi khối lượng công việc vốn đã nhiều lại càng nhiều hơn và áp lực càng thêm nặng trên vai mỗi nhân viên y tế.

55 cán bộ, sinh viên Trường đại học Y - Dược hỗ trợ các trạm y tế lưu độngGặp mặt, biểu dương lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19Thêm 40 nhân viên y tế vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch

Y tế cơ sở hỗ trợ tích cực cho công tác phòng dịch COVID-19. Ảnh: THU HIỀN

Chưa có tiền lệ

“Những chiến binh ngược dòng”. Đó là cách TS. Nguyễn Thị Hường (Học viện Hành chính Quốc gia) nói về sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh áo trắng khi lao vào nơi nguy hiểm, nơi mà những người khác đang tìm cách trốn chạy để bảo vệ sự an toàn cho mình trước đại dịch COVID-19. Dịch COVID-19 hoành hành, toàn ngành y tế tập trung lực lượng để phòng, chống một đại dịch chưa có tiền lệ, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta này. Trong nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế cho thấy, có gần 90% nhân viên y tế cho biết họ chịu áp lực công việc rất lớn.

BS. Mai Hữu Thiện Bổn (Trạm trưởng Trạm y tế Phú Mỹ, Phú Vang) cho biết, hơn cả tháng nay anh em đều phải ứng trực tại trạm 100%. Có những ngày điều tra, lấy mẫu quần quật, mệt quá đến đỗi cầm hộp cơm lên rồi thả xuống, ăn không nổi đành uống nước qua bữa. “Đó là nhiệm vụ, có vất vả mấy anh em cũng gắng. Nhưng đôi khi nghĩ cũng chạnh lòng. Tình hình dịch bệnh phức tạp, công an và y tế phối hợp truy vết, điều tra dịch tễ không kể đêm ngày, vậy mà có gia đình còn phản ứng dữ dội, còn dọa đánh”, BS. Bổn chia sẻ.

Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) là một trong những địa phương liên tục ghi nhận các ca F0 mới trong ngày. Ở thời điểm hiện tại, trong số 7 nhân viên của trạm y tế thị trấn, thì cũng đã có 3 trường hợp là F0 đang cách ly, điều trị. Nhân lực còn 4 người, trạm vẫn đảm trách một khối lượng công việc rất lớn, gồm: truy vết, lấy mẫu, tiêm chủng, phụ trách y tế tại 3 chốt kiểm soát trên địa bàn… Rồi sắp tới, còn thêm việc theo dõi, hỗ trợ F0 không triệu chứng tại nhà khi địa phương áp dụng biện pháp này để ứng phó với tình hình dịch.

BS. Phạm Văn Lợi, Trạm trưởng Trạm Y tế Lăng Cô bày tỏ: “Áp lực công việc quá lớn, nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm phòng, chống dịch cộng đồng, anh em đều hết sức nỗ lực. Vì công việc, cực mấy anh em cũng chịu đựng được, nhưng lo nhất là nguy cơ nhiễm bệnh quá cao, không biết mình trở thành F0 bất cứ lúc nào”.

“Mong mỗi người tiếp tục nỗ lực”

Từ trong các điểm nóng, hình ảnh nhân viên y tế kín mít bảo hộ, làm việc bất kể nắng nóng gay gắt hay nước lụt ngập gần hết chân người… đã là những hình ảnh quá quen thuộc. Trong môi trường làm việc ấy, họ không những phải chịu nhiều áp lực mà còn phải đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Đặc biệt, với lực lượng y tế cơ sở, khối lượng công việc của họ ngày càng nhiều hơn khi sắp tới họ cũng chính là lực lượng nòng cốt của các tổ y tế lưu động.

Nói về điều mong muốn nhất, BS. Phạm Văn Lợi cho biết: Nhu cầu thì nhiều, nhưng chỉ có hai vấn đề muốn được đề xuất nhất thời điểm này. Đó là được các cấp quan tâm nhiều hơn về vật tư y tế cho cơ sở, nhằm hạn chế tối thiểu các nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn về các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước. “Vừa rồi, chúng tôi đã được nhận một phần chế độ phụ cấp phòng, chống dịch, nhưng chỉ mới nhận đến tháng 6/2021. Từ đó đến nay vẫn chưa, nên rất mong được các cấp tạo điều kiện để anh em yên tâm công tác hơn”, BS. Lợi nói.

BS. Mai Hữu Thiện Bổn cũng nói thêm: “Trước mắt, chúng tôi chưa thấy chế độ gì đãi ngộ riêng lực lượng y tế tuyến xã, tuyến huyện cả. Lâu nay, anh em ở trạm y tế xã vẫn tham gia phòng, chống dịch đúng chức trách, nhiệm vụ của ngành, bất kể là ngày nghỉ hay cuối tuần. Nhưng hàng tháng, ngoài lương chúng tôi chỉ có thêm một phần hỗ trợ là 130.000 đồng/7 người/ngày. Nhiều khi công việc vất vả quá, anh em tâm tư, nhưng chúng tôi đều động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trước, chế độ tính sau. Tuy nhiên, nếu có thể có thêm phần hỗ trợ nào để động viên tinh thần thêm anh em thì càng tốt”.

Thấu hiểu sự vất vả của cán bộ, nhân viên y tế, PGS. TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi biết áp lực của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở rất nặng nề và khối lượng công việc cụ thể trên một người rất nhiều. Lãnh đạo tỉnh  cũng luôn động viên, chia sẻ và đặt nhiều niềm tin và các lực lượng của ngành y tế. Chúng tôi mong mỗi cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục nỗ lực, cố gắng hết sức để cùng vượt qua thời điểm khó khăn này.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đưa vào nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ Nhân dân.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top