ClockThứ Năm, 16/07/2020 16:10

Phát hiện ca bệnh liên cầu lợn tại Hương Trà

TTH.VN - Ngày 16/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận thông tin có một trường hợp nhiễm bệnh liên cầu lợn, trú tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. Các ngành và địa phương đang phối hợp xử lý ca bệnh.

Đề phòng bệnh liên cầu lợn

Biểu hiện bệnh liên cầu lợn

Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người do liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S. suis). Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa có vacine phòng nhiễm liên cầu lợn cho người, nhưng vi khuẩn gây bệnh hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Để phòng bệnh, người dân phải duy trì thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.

Không hoang mang

Theo thông tin dịch tễ, nữ bệnh nhân 59 tuổi, có dấu hiệu bệnh khởi phát từ ngày 8/7, với triệu chứng sốt cao liên tục, rét run, nhức mỏi cơ thể, có tự mua thuốc tự điều trị nhưng không đỡ. Ngày 10/7, bệnh nhân nhức đầu nhiều hơn kèm nôn mửa, nên được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh nhân đã được chẩn đoán Viêm não - màng não. Kết quả xét nghiệm cấy dịch não tủy ngày 14/7 cho thấy Streptococcus Suis II dương tính.

Bệnh nhân làm nghề bán vé số, thường đi bán tại TP. Huế từ chiều đến tối mới về nhà. Trong thời gian đi bán việc ăn uống không rõ, nhưng khoảng 4-5 ngày trước khi khởi bệnh, người nhà cho biết bệnh nhân có ăn nem mua tại TP. Huế. Bệnh nhân sống cùng con, gia đình không nuôi lợn, các nhà xung quanh trong khu vực cũng không nuôi lợn. Về tiền sử ăn uống thỉnh thoảng có ăn thịt lợn nên nguồn lây không rõ.

Qua điều tra trong 2 tuần qua, các cơ quan chức năng ghi nhận trong khu vực không có tình trạng lợn mắc bệnh, xung quanh cũng không có người mắc bệnh tương tự. Trong khu vực cũng không có dịch lợn tai xanh. Những người tiếp xúc và những người xung quanh nhà bệnh nhân hiện tại sức khỏe ổn định và được cơ quan y tế theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm nhưng người dân không nên hoang mang. Để bảo vệ sức khỏe và chủ động phòng chống dịch bệnh, quan trọng nhất là nâng cao hiểu biết về bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo các khuyến cáo của ngành y tế.

Bệnh liên cầu lợn lây truyền từ động vật sang người, bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S. suis). Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi hoặc có qua khỏi cũng để lại những biến chứng nặng nề.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm. Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho người qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh, hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…). Hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).

Nên tránh ăn tiết canh để tránh bị nhiễm liên cầu lợn

Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh. Hiện chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Trường hợp nặng người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.

5 việc để dự phòng

Chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện 5 biện pháp sau:

1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi

Chiều 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 ca sốt phát ban nghi sởi tập trung ở 5/9 huyện, thị và thành phố. Trong đó, Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông mỗi huyện đều có 4 ca bệnh. Riêng 1 bệnh nhi ở Quảng Điền có kết quả dương tính với bệnh sởi.

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi
Lãnh 16 năm tù vì tàng trữ hơn 550g ma túy

Tòa án Nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Ngọc Tân (SN 1995, trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế) về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Lãnh 16 năm tù vì tàng trữ hơn 550g ma túy

TIN MỚI

Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín
Return to top