Khoa khám bệnh, Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế bình quân đón 250-300 trẻ /ngày đến khám và điều trị. Mưa lạnh, nhiệt độ giảm đột ngột, các trẻ vào viện chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, sốt siêu vi, tiêu chảy... Trong đó, số trẻ dưới 2-3 tuổi chiếm tỷ lệ rất đông và rất nhiều trẻ bị sốt cao, viêm họng, sổ mũi, tiêu chảy do nhiễm virut...
Khám bệnh cho trẻ dưới 5 tuổi vào ngày trời giá rét
Cháu Hồ Hùng Anh (3 tuổi ở Lê Thánh Tôn-TP. Huế) ho kéo dài, sốt cao đến khám tại Trung Tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế được bác sĩ chẩn trị do thời tiết lạnh, không giữ ấm được cơ thể nên bị viêm phổi cấp... Mẹ của cháu Hùng Anh cho biết, trước khi vào viện, cháu vẫn nô đùa với bà nội nhưng sang ngày 30/12 cháu chảy mũi và nóng dần, bỏ ăn. Khi được bác sĩ có những khuyến cáo và cho điều trị ngoại trú, mẹ cháu đã yên tâm hơn.
Theo TS. BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế, mưa lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virut gây bệnh phát triển làm cho trẻ em dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, viêm phổi, sốt, tiêu chảy... Lý do trời lạnh giá kéo dài làm cơ thể của trẻ giảm sức đề kháng, khả năng chống đỡ bệnh yếu đi. Hơn nữa khi nhiệt độ môi trường xuống thấp khiến lớp mỡ ở dưới da đông lại và làm cho trẻ không thể hấp thụ, hô hấp và chuyển hoá các chất dinh dưỡng như trong điều kiện bình thường. Nếu không chăm sóc cẩn thận từ khâu ăn uống, tắm rửa sinh hoạt... đến giữ ấm cơ thể, trẻ em rất dễ mắc các bệnh nói trên.
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa Nội Tổng hợp-Lão khoa, BV Trung ương Huế
Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là giữ cho trẻ đủ ấm, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường có nhiều nguy cơ lây lan vi khuẩn, virut (các điểm vui chơi giải trí, nơi công cộng, nhà trẻ)... Đối với trẻ nhỏ, hạn chế ra ngoài, cha mẹ nên lưu ý tránh để trẻ mặc quá nhiều áo rồi toát mồ hôi khi chạy nhảy, sẽ dễ bị nhiễm lạnh. Ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, cần cho trẻ mặc đủ ấm khi ngủ, đề phòng trẻ đạp chăn ra ngoài. Không nên để trẻ ngủ trong phòng quá kín gió, không thoát không khí...
Không chỉ trẻ em, khi mưa rét nhiệt độ xuống thấp tác động rất nhiều đến sức khỏe con người, đặc biệt người già; trong đó là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính, như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giãn phế quản, cao huyết áp… Những trường hợp này hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng. Bình thường, mỗi ngày tại Khoa Nội Tổng hợp-Lão khoa, BV Trung ương Huế khám điều trị nội trú không dưới 100 bệnh, nhưng trong thời điểm này, lượng bệnh vào khám, điều trị tăng lên 20-30%. Hầu hết các trường hợp nhập viện thường mắc bệnh lý về hô hấp, hen suyễn, xương khớp, tăng huyết áp dễ dẫn đến đột quỵ...
Theo dõi, điều trị bệnh tăng huyết tại khoa Nội Tổng hợp Lão khoa, BV Trung ương Huế
TS. BS Trần Thừa Nguyên, Trưởng khoa nội Tổng hợp-Lão khoa, BV Trung ương Huế cho biết, để chủ động phòng tránh các bệnh lý của người già, như bệnh về đường hô hấp nói riêng mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, ăn uống hợp lý, chất lượng chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa.
Bên cạnh đó, hoạt động giữa ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh, hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ thấp, cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm long đường hô hấp trên; viêm phế quản phổi. Khi nhiễm lạnh ở những người có bệnh mãn tính sẽ dễ bùng phát như hen phế quản, ứ dịch gây khó thở ở những bệnh nhân bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD); thở khò khè, khạc đờm do đợt cấp ở những bệnh nhân viêm phế quản mãn tính… Với những trường hợp người già bị cao huyết áp, tim mạch... phải có chế độ ăn uống sinh hoạt, vận động hợp lý; đặc biệt phải theo dõi bằng thuốc theo chỉ dẫn của y, bác sĩ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở, nhức đầu... phải đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng.
Bài, ảnh: Minh Văn