Hiện các biện pháp triển khai ứng phó đã ở cấp độ 3, tương đương với dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Trong đó, một biện pháp quan trọng đang được ngành y tế triển khai là hạn chế tối đa dịch bệnh Covid 19 (nCoV) lây lan sang những người mắc bệnh mãn tính. Đây là những đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh Covid 19 (nCoV).
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh Covid 19 bị tử vong tại Trung Quốc là những người già, sức khỏe yếu hoặc người nhiễm chủng mới của virus corona trên nền bệnh mãn tính. Còn tại Việt Nam, trong số những ca bệnh Covid 19 (nCoV) được ghi nhận ở nước ta, có 1 trường hợp bệnh nặng phải điều trị lâu hơn, đó là bệnh nhân đầu tiên, người Vũ Hán, Trung Quốc 66 tuổi. Đây cũng là bệnh nhân mắc nhiều bệnh mãn tính như đái tháo đường tuýp 2, u phổi, bệnh lý mạch vành đã được đặt stent.
Chính vì vậy, từ thực tế đang điều trị cho nhiều người mắc bệnh mãn tính, Bệnh viện E đã hướng dẫn bệnh nhân đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và ngay từ đầu đã triển khai cách ly ca bệnh nghi ngờ nhiễm Covid 19 để không lây lan virus trong bệnh viện.
Giáo sư Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: "Chúng tôi đã có 4 trường hợp phải cách ly. Trường hợp đầu tiên là 1 bệnh nhân từ Đài Loan, Trung Quốc về. Sau đó là 1 thanh niên chuyên đi giao hàng, tiếp xúc với nhiều khách hàng Trung Quốc và những người còn lại tiếp xúc với người từ vùng dịch bệnh về. Chúng tôi khai thác tiền sử của bệnh nhân ngay từ phòng khám. Đây là bệnh viện tuyến 2 nên chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid 19 (nCoV) khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hết giường bệnh”.
Cũng là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân mãn tính như đái tháo đường, tuyến giáp… Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp không để dịch bệnh Covid 19 (nCoV) xâm nhập. Qua hệ thống loa truyền thanh hướng dẫn bệnh nhân chủ động phòng bệnh, Bệnh viện đã tập huấn cho nhân viên y tế thực hiện nghiêm quy trình xử lý mẫu bệnh phẩm, vệ sinh dụng cụ y tế và đảm bảo phòng hộ cá nhân trong quá trình làm việc, để không gây lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: “Phải đảm bảo sự an toàn cho những người bệnh, người nhà người bệnh không bị mắc Covid 19, phát hiện kịp thời ca bệnh nghi ngờ để không lây truyền chéo, ngay tại cửa phòng khám chúng tôi đã tiến hành đo thân nhiệt. Nếu bị sốt sẽ chuyển tới 2 phòng khám cách Đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế không bị mắc bệnh trong quá trình khám chữa bệnh cho người bệnh".
Tuy dịch bệnh ở nước ta đang được kiểm soát tốt nhưng với tinh thần sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra, Bộ Y tế đã phân tuyến điều trị cụ thể và chuẩn bị các phương án về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị vật tư, phục vụ điều trị.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý chữa bệnh Bộ Y tế cho hay: “Đối với bệnh nhân nặng mắc bệnh nền thì giai đoạn đầu chuyển về các bệnh viện lớn ở 3 khu vực. Thứ 2 là các bệnh viện tuyến tỉnh cũng phải sẵn sàng 3 khu vực, gồm khu vực cách ly những bệnh nhân nghi nhiễm, chờ xét nghiệm, khu vực điều trị bệnh nhân nhẹ và khu vực điều trị bệnh nhân nặng. Bệnh viện tuyến huyện thì hoàn toàn điều trị những ca bệnh nhẹ như ở Vĩnh Phúc đang thực hiện”.
Đến nay, 7 bệnh nhân Covid 19 ở nước đã được chữa khỏi, trong đó có cả bệnh nhân nặng mắc nhiều bệnh nền, nhưng Bộ Y tế đã chủ động xây dựng phương án bệnh viện dã chiến nếu các cơ sở y tế các tuyến quá tải. Đặc biệt, việc quan tâm dự phòng cho những người mắc bệnh mãn tính sẽ hạn chế được những ca bệnh nặng, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong bệnh nhân Covid 19.
Theo VOV